Khung cảnh Thánh Kinh

Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,

là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 108, 105).

Để Lời Chúa trở thành ngọn đèn và là ánh sáng soi bước đường ta đi, ta phải tiếp cận với Lời Chúa. Lời Chúa không chỉ là những mầu nhiệm cao sâu nhưng trái lại là những gì diễn ra trước mắt và ngay xung quanh ta; bởi như trong sách (Đnl 30, 11-14) đã chép: “mênh lênh tôi truyền cho anh em không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em, nhưng ngay trong miệng, trong lòng  cốt để anh em đem ra thực hành”. Những điều ấy,có thể tạm gọi là khung cảnh Thánh Kinh.

Để giáo dục Israel, Thiên Chúa không chỉ dùng lời nói mà còn dùng các biến cố, các điềm thiêng dấu lạ,… qua các tổ phụ, các tiên tri, … qua chính Con Một. Thiên Chúa không chỉ khuyên dạy, năn nỉ, răn đe mà còn đánh phạt, ủi an. Thánh Kinh chính là cuốn sách ghi chép lại công trình giáo dục của Thiên Chúa và của Đức Giêsu.

Lời Chúa là chính Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu chính là Thầy dạy cho mọi người, Người dạy không cầu kỳ, không máy móc, không lắt léo, nhưng trái lại những gì Người giảng dạy rất cụ thể và gần gũi với cuộc sống con người. Như vậy, nhà giáo dục phải chiêm ngắm cung cách cư xử của Thiên Chúa trong Thánh kinh, rồi áp dụng vào bài giáo lý, đưa các em vào cuộc sống và khởi đi từ cuộc sống, qua khung cảnh Thánh Kinh.

Hay có thể nói rõ nét hơn là mỗi phong trào giáo dục cũng phải được đặt trọng tâm vào chính nền tảng của Thánh Kinh; bởi Thánh Kinh chính là nền tảng và là chất liệu cho mọi phong trào giáo dục; thì hẳn phong trào TNTT cũng không nằm ngoài đường hướng đó. Như thế, đường hướng, phương pháp của phong trào TNTT dựa vào Lời Chúa. Chẳng những thế, còn phải biết thấm sâu vào chính trong Lời Chúa. Nhưng để dựa vào và thấm sâu từ Lời Chúa ta phải khám phá ra khung cảnh đích thực trong Thánh Kinh. Vậy đâu là khung cảnh đích thực trong Thánh Kinh?

Khung cảnh đích thực trong Thánh Kinh chính là khoảng không gian và thời gian trong lịch sử. Nơi đó, lúc đó diễn ra những việc Thiên Chúa làm cho nhân loại, những lời Thiên Chúa nói với con người. Lời Thiên Chúa nói với con người cách đây hơn 2000 năm nhưng vẫn còn thiết thực và sống động cho mọi người và nhất là vẫn còn có ích cho việc giáo dục TNTT bằng khung cảnh Thánh Kinh.

I. Tại sao giáo dục thiếu nhi bằng khung cảnh Thánh Kinh ?

Là nhà giáo dục tâm huyết ai cũng tự đặt cho mình một câu hỏi: đâu là giáo lý của tuổi Thiếu Nhi ? Theo tông huấn về việc dạy giáo lý, giáo lý phải đưa đến cuộc sống tức là dẫn nhập và áp dụng vào chính trong cuộc sống, đi từ lý thuyết đến thực hành, từ cái đơn giản đến sự kiện dễ nhớ. Để giáo lý gắn với cuộc sống, ta phải có khung cảnh; bởi khung cảnh là môi trường tạo nên cuộc sống. Vậy, khung cảnh ấy là gì nếu không phải là những hình ảnh, sự kiện diễn ra trước mắt, khiến người chứng kiến dễ cảm nhận, dễ nhớ và nhớ lâu. Khi giảng dạy cho dân chúng, Chúa Giêsu đã tạo một khung cảnh thích hợp và dùng những hình ảnh rất gần gũi và xác thực như người gieo giống, hạt cải, cỏ lùng, men trong bột … (x. Mt 13).

Cũng vậy, Phong Trào TNTT cũng phải “tạo môi sinh tốt cho các em học tập và lớn lên”. Để tạo môi sinh tốt, không gì khác hơn là dẫn các em đến với Lời Chúa. Lời Chúa là của ăn thiêng liêng và là “lương thực bồi dưỡng hằng ngày cho các em”. Vậy chúng ta đưa các em đến với Lời Chúa bằng cách nào? Đưa các em đến với Lời Chúa qua việc giúp các em học hỏi, suy niệm Lời Chúa, ca hát, nhảy múa … giúp các em sống và thực hành Lời Chúa”.

Mục đích của mỗi giờ giáo lý phải là giúp các em cảm nhận và gặp gỡ Chúa trong chính Lời Chúa. Những bài hát, những vũ diệu, băng reo… là để khơi gợi nơi tâm trí các em những giá trị, ý nghĩa trong cuộc sống. Những cuộc trại nhằm giúp các em sống, thực hành những điều mình học. Những cuộc hành hương về thánh địa nhằm mục đích giúp cho khách hành hương sống lại khung cảnh xưa kia Thiên Chúa đến với nhân loại, nơi xưa kia Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người đã sinh ra, lớn lên và hoàn tất sứ vụ cứu chuộc của Người”.

Quả thật, khung cảnh Thánh Kinh rất cần thiết cho việc giáo dục Thiếu Nhi; bởi khung cảnh Thánh Kinh giúp các em khởi đi từ cuộc sống đến cách ứng xử và khung cảnh Thánh Kinh làm cho bài học Thánh Kinh trở nên sống động, gần gũi với các em.

II. Áp dụng khung cảnh Thánh Kinh cho đoàn sinh như thế nào ?

“Thánh Kinh là đường dẫn ta đến với Chúa Kitô”, qua Chúa Giêsu để đến cùng Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu là Lời quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Cách thức để Người bày tỏ quyền năng và tình thương của Thiên Chúa là vai trò và sứ vụ cứu thế của Người. Để mặc khải cho nhân loại biết về vai trò và sứ vụ của Người, Con Thiên Chúa đã không ngần ngại trở nên như con người, gần gũi với con người đặc biệt những người thu thuế và phường tội lỗi, Ngài đã “sống như mọi người chỉ trừ tội lỗi”. Như vậy, mầu nhiệm nhập thể, rao giảng là khởi điểm sứ vụ cứu thế của Ngài, chịu chết và Phục Sinh là hoàn tất sứ vụ cứu thế của Ngài.

Để hiểu về vai trò sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu, ta phải tiếp xúc với Thánh Kinh; vì Thánh Kinh “là con đường dẫn tới Chúa Kitô”. Để giáo dục Thiếu Nhi cách hữu hiệu, không có con đường nào tốt hơn là giúp các em tiếp cận với Thánh Kinh và qua Thánh Kinh giúp các em tiếp cận với Chúa Giêsu. Chính Thánh Kinh trình bày cuộc đời Chúa Giêsu. Để áp dụng cho việc giáo dục đoàn sinh, phong trào TNTT dùng khung cảnh cuộc đời Chúa Giêsu từ thời thơ ấu cho đến rao giảng, thương khó,…

1. Chúa Giêsu thời thơ ấu:

Chúa Giêsu trải qua đời thơ ấu với cuộc sống ngoan hiền, yêu thương trong môi trường gia đình ấm cúng. Cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu chính là mục đích và chất liệu giáo dục cho các em ấu nhi.

– Mục đích Giáo dục ngành ấu: là giúp các em từng bước trở thành những ấu nhi ngoan ngoãn, đơn sơ, chân thành, thật thà trong môi trường gia đình, học đường, đoàn thể, với bạn bè và những người các em gặp trong cuộc sống.

– Chất liệu giáo dục các em là chiêm ngắm Chúa Giêsu ấu thơ, từng bước theo gương sống của Chúa Giêsu ấu thơ là “ngoan ngoãn, đơn sơ, biết cầu nguyện, vâng lời và chu toàn bổn phận”. Cũng như giúp cho trẻ biết cảm tạ và ca ngợi Thiên Chúa vì những kỳ công, qua vẻ đẹp thiên nhiên là những ân huệ Chúa ban bằng những lời trong thánh vịnh.

– Tạo ra khung cảnh Thánh Kinh cho tuổi ấu là tận dụng những ngày lễ lớn như Truyền Tin, Giáng Sinh, đặc biệt là Tết Thiếu Nhi, Ngày quốc tế Thiếu Nhi, để giúp các em hình dung và noi gương Chúa Giêsu.

2.Chúa Giêsu thời niên thiếu.

Cuộc đời niên thiếu của Chúa Giêsu được Thánh Kinh tóm kết bằng lời sau đây: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadaréth và hằng vâng phục các ngài còn Đức Giêsu ngày càng thêm tuổi, thêm khôn ngoan, thêm cao lớn, thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 51-52). Sở dĩ, Chúa Giêsu ngày càng thêm ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta là vì Người hằng vâng phục cha thánh Giuse, Mẹ Maria và đặc biệt là Thiên Chúa Cha. Như vậy, qua mẫu gương thời niên thiếu của Chúa Giêsu là vâng phục, hy sinh, cũng chính là châm ngôn sống và là mục đích giáo dục đối với các em ở tuổi niên thiếu.

– Mục đích giúp các em đi từng bước biết sống cho, sống cùng, và sống với người khác cũng như biết hy sinh cho nhau từ trong gia đình tới học đường và đoàn thể.

– Chất liệu giáo dục: “là những việc làm, bài học, trò chơi, bài hát xoay quanh các đề tài Thánh Kinh” nhưng sao cho ngắn gọn, xúc tích và một ít suy nghĩ, vì ở tuổi này, các em đã bắt đầu thắc mắc. Tuy nhiên, cũng phải “vừa tầm hiểu biết và óc phán đoán của các em”.

– Tập cho các em biết vâng lời và hy sinh theo gương Chúa Giêsu thời niên thiếu.

3.Chúa Giêsu thời rao giảng:

Là giai đoạn khởi đầu công cuộc loan báo Tin Mừng và mặc khải cho con người biết về sứ vụ ơn cứu độ của Ngài; bằng việc thực thi thánh ý Chúa Cha. Theo gương Chúa Giêsu thời rao giảng nỗ lực chinh phục các tâm hồn về cho Chúa. Đây là mục đích và chất liệu giáo dục cho lứa tuổi nghĩa sĩ và Hiệp sĩ.

– Giúp các em từng bước trưởng thành, biết phán đoán chính xác, biết suy nghĩ độc lập, có lương tâm trong sáng, có tinh thần bác ái vô vị lợi”

Chất liệu giáo dục là những việc làm, bài học, trò chơi, bài hát xoay quanh các đề tài Kinh Thánh và những đề tài mang tính giáo dục. Khích lệ tinh thần dấn thân phục vụ phù hợp với lứa tuổi đầy tiềm năng và nhiệt thành này. Chúng ta có thể giao cho các em một vài công tác nhưng phải phù hợp với khả năng của các em để từng bước giúp các em trưởng thành.

Với tuổi dậy thì cần giúp các em sống quân bình. Ở tuổi ước mơ, trẻ dễ phấn khởi với lý tưởng nhưng mau chán với thực tế, nhưng có điều là chúng rất quảng đại, biết cố gắng. Do vậy, phải giúp chúng đừng nản lòng khi thất bại nhưng nỗ lực dấn thân, vì “thất bại là mẹ của thành công”.

– Tục ngữ Việt Nam có câu: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Và Thánh Phaolô lưu ý: “anh em nhớ: chơi với người xấu, người tốt cũng thành xấu” (1 Cr 15,33). Lời ấy muốn khẳng định với chúng ta rằng: con người rất dễ chịu ảnh hưởng và bị lôi cuốn bởi môi trường. Do vậy, bầu khí đạo đức thánh thiêng tức là khung cảnh Thánh Kinh rất cần cho Thiếu nhi; Chính qua khung cảnh Thánh Kinh ấy giúp các em từng bước thấm nhuần Lời Chúa. Cũng chính qua chất dinh dưỡng từ Lời Chúa, giúp các em chín chắn và có phản ứng xứng hợp trước các biến cố và hoàn cảnh của cuộc đời. Do vậy, cách dạy hữu hiệu và tốt nhất là “dẫn các em đến với Chúa”. Trong khung cảnh Thánh Kinh ngang qua cuộc đời của Chúa Giêsu từ thời thơ ấu cho tới thời rao giảng…