Linh mục hay Thầy cả trong tiếng Việt cổ là một chức phẩm của Giáo hội Công giáo Rôma, là giáo sĩ có quyền thực hiện các lễ nghi tôn giáo trực tiếp cho giáo dân. Chức linh mục là chức phẩm cơ bản để được tấn phong lên chức cao hơn là Giám mục, gồm hai loại là linh mục triều và linh mục dòng. Trong đó, linh mục triều có giáo tịch tại một giáo phận nào đó dưới quyền một Giám mục (hoặc Giám chức), linh mục dòng là các linh mục thành viên của một dòng tu Công giáo, dưới quyền một vị Bề trên.

Tùy theo sự bổ nhiệm của Giám mục hoặc Bề trên mà các linh mục có thể đảm nhận các nhiệm vụ như: Quản trị một giáo xứ, làm việc cho các cơ quan của giáo hội hoặc đi truyền giáo. Giáo Luật Giáo hội Công giáo La Mã quy định linh mục phải sống độc thân và không truyền chức linh mục cho nữ giới.

Giám mục chính Giáo phận Bắc Ninh Hoàng Văn Đạt thực hiện Nghi thức truyền chức Linh mục vào ngày 02/6/2022 tại nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh

Đối với người Công giáo – Chức linh mục là một quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại; món quà quý giá ấy được ban qua trung gian một số tín hữu để được tuyển lựa là các linh mục. Qua bí tích Truyền chức, những người thụ phong trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Linh Mục.

Tại một số giáo phận lớn ở Việt Nam (trong đó có giáo phận Bắc Ninh), tháng Sáu dương lịch hằng năm được gọi là “Mùa truyền chức”, bởi lẽ đó là thời điểm các Đại Chủng viện kết thúc khoá học và các chủng sinh ra trường được thụ phong Phó tế hay Linh mục.

Linh mục là người được thánh hiến cho một thừa tác vụ thánh thiêng. Nhưng ơn thánh hiến không chỉ liên quan tới các công việc của linh mục, mà trước hết, ơn ấy động chạm sâu xa đến con người và đời sống của linh mục. Chính con người linh mục cần được thánh hiến và đời sống linh mục phải thánh thiện.

Chức linh mục được thiết lập như chiếc cầu nối giữa Thiên Chúa và con người, mang lại hạnh phúc và niềm vui đối với các cộng đoàn đức tin. Linh mục là người đồng hành với người giáo dân, từ khi chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Trong những biến cố vui buồn của đời người, linh mục luôn hiện diện để đem đến cho họ ân sủng, phúc lành và sự an ủi của Thiên Chúa. Vì lẽ đó, linh mục luôn được mọi người yêu mến và quý trọng. Tại mỗi giáo xứ, linh mục được coi như người đứng đầu một đại gia đình, vị chủ sự của một cộng đoàn và người nghĩa thiết với mọi tầng lớp giáo dân.

Linh mục không phải là công chức tôn giáo, người làm “các phép” hay các nghi thức, nhà hoạt động xã hội, chuyên viên xây dựng, người tổ chức các lễ hội… Linh mục trước hết là người của Chúa, người đi theo Chúa và họa lại lối sống của Chúa để trở thành hiện thân của Chúa.

Mỗi linh mục đều trải qua nhiều năm đào tạo và chuẩn bị tại chủng viện (thường khoảng từ 9-13 năm) trước khi chịu chức. Tất cả các linh mục được chịu chức để rao giảng Tin Mừng và phục vụ dân Chúa trong Đức Kitô và là người quản lý các Bí tích của Giáo hội. 

Bí tích truyền chức không phải là một phép lạ biến người thụ phong từ người trần thế trở thành thánh nhân. Vì vẫn mang trong mình sự yếu đuối và bất toàn, linh mục phải cố gắng mỗi ngày để hoàn thiện bản thân, trở nên xứng đáng với hồng ân cao quý đã lãnh nhận. Cuộc đời linh mục, vừa là một hành trình phục vụ tha nhân, vừa là hành trình thánh hoá chính con người của mình. Có những linh mục đang âm thầm hy sinh làm việc tại các vùng sâu vùng xa, quên mình phục vụ người dân tộc thiểu số và người nghèo. Có những linh mục say mê truyền giáo, chấp nhận những thiệt thòi và gian khổ, sống nghèo khó để đem Chúa đến với những ai chưa nhận biết.

Các Tân chức thực hiện nghi thức phủ phục trong Thánh lễ truyền chức Linh mục

Nghi thức phong chức linh mục có những phần rất có ý nghĩa và cảm động, nhưng không phải là nghi thức chính yếu. Các Tân chức cam kết tuân giữ các bổn phận của bậc sống linh mục, đặt tay trong lòng bàn tay của Giám mục để tuyên bố vâng phục, hay nằm phủ phục sát đất để kêu cầu các thánh trợ giúp, đó chỉ là nghi thức chuẩn bị. Cha mẹ dâng áo lễ mới để con mình mặc vào, Đức Giám mục xức dầu đôi tay rồi trao dĩa và chén thánh cho các Tân chức, đó cũng chỉ là nghi thức diễn nghĩa.

Phần quan trọng nhất của nghi thức truyền chức là việc đặt tay cùng với lời nguyện phong chức. Việc đặt tay được gọi là chất thể của bí tích, tức là dấu hiệu bề ngoài, còn lời nguyện là mô thể, tức là lời xác định ý nghĩa của việc đặt tay. Việc đặt tay là yếu tố chất thể của bí tích, nhưng lại diễn ra trong sự thinh lặng: Đức Giám mục lặng lẽ đặt tay lên đầu Tân chức. Còn mô thể của bí tích truyền chức là lời kêu cầu Chúa Thánh Thần đến trên các Tân chức. Công thức phong chức là một lời nguyện rất dài, trong đó phần lớn là diễn giải ý nghĩa của thừa tác vụ, nhưng đó chưa phải là chính mô thể của bí tích, chưa phải là lời làm nên chính bí tích truyền chức mà mô thể làm nên bí tích là 7 lời hứa của các linh mục trong ngày thụ phong.

Các linh mục giáo phận hứa sống độc thân, rao giảng chân lý và vâng lời Giám mục.

Không giống như các linh mục dòng, các linh mục giáo phận không tuyên khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Tuy nhiên, họ thi hành một số lời hứa trong ngày thụ phong có phạm vi tương tự nhau.

10882c1e-ea28-f2cb-7adf-25d67cc43def?t=1659409812541
Giám mục chính Hoàng Văn Đạt thực hiện nghi thức đặt tay và tuyên lời nguyện vâng phục của Tân Linh mục Vũ Văn Cương (giáo họ Thị Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh) trong Thánh lễ truyền chức ngày 02/6/2022 tại nhà thờ chính tòa Bắc Ninh