2021-06-05T16:51:22+03:00 2021-06-05T16:51:22+03:00 https://giaoluatconggiao.com/quy-tac-tong-quat/duoc-phep-lanh-nhan-thanh-the-khi-tham-du-thanh-le-truc-tuyen-khong-j-b-le-ngoc-dung-241.html /themes/default/images/no_image.gif

Được phép lãnh nhận Thánh Thể khi tham dự Thánh Lễ trực tuyến không?
Câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh phải giản cách xã hội, ngăn ngừa dịch bệnh, không thể cử hành Thánh Lễ có đông người tham dự.
Câu trả lời của Giám Mục giáo phận Nha Trang, áp dụng trong giáo phận là được phép Rước Mình Thánh Chúa khi tham dự Thánh Lễ trực tuyến.
Ấn định việc cho phép trên, trước tiên là dựa vào năng quyền điều hành việc phụng vụ thánh chiếu theo quy tắc của Bộ Giáo luật điều 838§1 như sau:

Việc điều hành phụng vụ thánh chỉ lệ thuộc quyền bính Giáo Hội mà thôi: quyền bính này thực sự thuộc Tông Toà và, chiếu theo quy tắc của luật, thuộc Giám Mục Giáo Phận.

Sau đây là một số quy tắc Giáo luật mà Giám mục giáo phận dựa vào để có thể cho phép Rước Mình Thánh Chúa khi tham dự Thánh Lễ trực tuyến:
1. Những luật cấm được quy định rõ ràng
Theo nguyên tắc chung của luật, một luật cấm hay một hạn chế phải được luật ấn định rõ ràng.
Về việc lãnh nhận Thánh Thể, Giáo Luật chỉ ngăn cản lãnh nhận trong những trường hợp sau:

Điều 915
Những người bị vạ tuyệt thông và những người bị cấm chế sau khi hình phạt đã được tuyên kết hay tuyên bố, cũng như những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường, không được rước lễ.
Điều 916
Người nào ý thức mình đang mắc tội trọng thì không được cử hành Thánh Lễ và cũng không được rước Mình Thánh Chúa, nếu không nhận lãnh bí tích Sám Hối trước, trừ khi có một lý do nghiêm trọng và không có dịp để xưng tội, trong trường hợp này, người ấy phải nhớ rằng mình phải ăn năn tội cách trọn, trong đó bao gồm việc quyết tâm xưng tội sớm hết sức.

2. Nguyên tắc giải thích luật
 Một luật mà thấy chưa rõ ràng hay còn nghi ngờ mà lại hạn chế sử dụng quyền lợi thì phải được giải thích theo “nghĩa hẹp”, chiếu theo nguyên tắc của điều 18 của Bộ Giáo luật:

Những luật ấn định một hình phạt hay hạn chế tự do sử dụng các quyền lợi hoặc hàm chứa một điều ngoại lệ, thì phải được giải thích theo nghĩa hẹp.

Theo nguyên tắc này, nếu chỉ dùng những “giải thích thần học” ngoài những “quy định rõ ràng” của Giáo luật hoặc luật phụng vụ, để rồi hạn chế tự do sử dụng quyền được lãnh nhận Thánh Thể là  đi ngược với quy tắc Giáo luật.
3- Rước lễ ngoài Thánh Lễ
Giáo Hội không hề ra quy định phải tham dự Thánh Lễ một cách thực sự mới được lãnh nhận Thánh Thể. Ngược lại, Giáo Hội khuyến khích Rước lễ ngoài Thánh Lễ, như điều 918 đã nói:

Hết sức khuyến khích các tín hữu rước lễ trong chính buổi cử hành Thánh Thể, nhưng đối với những người xin rước lễ vì một lý do chính đáng, thì phải cho họ rước lễ ngoài Thánh Lễ, nhưng vẫn phải giữ những nghi thức phụng vụ.

Các trường hợp được rước lễ ngoài Thánh Lễ có thể kể như nguy tử, của ăn đàng, cử hành phụng vụ Lời Chúa… Các trường hợp được rước lễ này đều không có việc tham dự Thánh Lễ một cách thực sự, nghĩa là không tham dự vào hy tế Thánh Thể một cách hiện diện trực tiếp, nhưng vẫn được hiệp thông với Mình Máu Thánh Chúa trong hy tế Thánh Thể.
Tuy nhiên, ngoài Thánh Lễ, Giáo luật đòi phải giữ nghi thức phụng vụ để có thể lãnh nhận Thánh Thể.  Nghi thức phụng vụ đòi hỏi ở đây là việc cử hành phụng vụ Lời Chúa.
Đến đây, chúng ta phải áp dụng nguyên tắc giải thích luật theo “nghĩa rộng” đối với luật có lợi cho tín hữu về ân phúc thiêng liêng, chiếu theo điều 36§1, tương tự với điều 18 nêu trên:
Điều 36§1:  

Một văn kiện hành chính phải được hiểu theo nghĩa riêng của từ ngữ và theo ngôn ngữ thường dùng; trong trường hợp hồ nghi, những văn kiện hành chính liên quan đến tranh tụng, ngăm đe hay tuyên kết một hình phạt, hạn chế quyền lợi của cá nhân, xâm phạm quyền thủ đắc của người khác hoặc ngược với một luật có lợi cho tư nhân, thì phải được giải thích theo nghĩa hẹp; còn những hành vi hành chính khác phải được giải thích theo nghĩa rộng.

Theo đó, việc cử hành phụng vụ Lời Chúa có thể giải thích theo nghĩa rộng để tín hữu có thể được hưởng ân phúc, và ở đây là việc được lãnh nhận Thánh Thể.
Chúng ta thử hỏi việc cử hành phụng vụ Lời Chúa này có mục đích gì?
Đó chính là việc nuôi dưỡng đức tin bằng Lời Chúa, để tín hữu có thể lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa hoặc để chuẩn bị lãnh nhận ân sủng như việc lãnh nhận các Bí Tích.
Khi tham dự Thánh Lễ trực tuyến, nhờ qua phần phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ, tín hữu đã được nuôi dưỡng đức tin, chuẩn bị tâm hồn, đủ điều kiện để đón nhận Thánh Thể.
Nếu như đòi hỏi phải cử hành một nghi thức Phụng vụ riêng khác ngoài việc tham dự Thánh Lễ trực tuyến thì mới cho nhận lãnh Thánh Thể thì quả là đã áp dụng một kiểu giải thích luật theo “nghĩa hẹp” đối với quyền lợi của tín hữu. Một đòi hỏi như vậy mang tính nệ “hình thức” ngược nguyên tắc luật và có vẻ xem thường hiệu quả của phần lắng nghe phụng vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ trực tuyến.
Theo những quy tắc nói trên, chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi như sau:
Khi tham dự Thánh Lễ trực tuyến, các tín hữu thống hối, lắng nghe các Bài đọc và giảng lễ thì được coi như là đủ để chuẩn bị tâm hồn và được phép đón nhận Bí Tích Thánh Thể, trừ khi mắc vạ hoặc ý thức mình đang có tội trọng như quy định của điều  915 và 916.
Vì vậy, các đan viện, cộng đoàn dòng tu hay chủng viện… mà có nhà nguyện và được phép có nhà tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa, tín hữu được phép rước Mình Thánh Chúa ngay sau khi tham dự Thánh lễ trực tuyến.
Trong trường hợp Thánh Lễ đã được cử hành xong, cộng đoàn không thể tham dự đúng vào thời gian cử hành Thánh Lễ thì việc tham dự qua việc chiếu lại, tuy có giảm về mặt hiệp thông nhưng vẫn được phép lãnh nhận Thánh Thể, miễn là cộng đoàn tín hữu thực hiện một cách nghiêm chỉnh để được nuôi dưỡng, chuẩn bị tâm hồn bởi phần Lời Chúa trong Thánh lễ đó.
Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng
ĐD Tư pháp Gp Nha Trang