Linh mục Giuse Phan Tấn Thành O.P.

RADIO VATICAN

1. Thần học mục vụ

Kính thưa quý vị thính giả,  

Sau khi đã rảo qua những đường hướng nghiên cứu thần học sau công đồng, đặc biệt là trong lãnh vực tín lý và luân lý, chúng ta nên bước sang một lãnh vực khác, đó là thần học mục vụ. Nhưng trước hết, cần xác định : Mục vụ là gì ?

Tiếng “mục vụ”, dịch từ “pastoralis” (pastoral), trở nên thịnh hành trong ngôn ngữ Giáo hội kể từ thập niên 60, nhất là với đức Gioan 23 khi ngài muốn cho công đồng Vaticano II mang tính cách mục vụ. Thường thường, người ta hiểu mục vụ theo nghĩa là “cụ thể, thực tiễn”; đối lại với “lý thuyết, nguyên tắc trừu tượng”. Thế nhưng, nếu muốn đặt vấn đề cho chính xác hơn, thì câu hỏi đầu tiên gợi lên trong óc là: có thể nói tới thần học mục vụ không? có thể nói tới nguyên tắc về hoạt động mục vụ không? hay nói khác đi: mục vụ có cần nguyên tắc gì không, có cần lý thuyết gì không? Những câu hỏi này lại càng trở nên cấp bách hơn nữa thì mà tại nhiều nơi, người ta dùng chiêu bài mục vụ để gạt bỏ hết những gì mà họ gọi là giáo điều, nguyên tắc. Theo họ, mục vụ đồng nghĩa với sáng tạo, kinh nghiệm; nếu muốn nó tới nguyên tắc hoạt động mục vụ, thì cùng lắm chỉ cần nại đến nguyên tắc duy nhất là Chúa Thánh Thần, Ngài thổi đâu tùy ý, Ngài nhóm lên lửa nhiệt thành cũng như sáng kiến cho các cán bộ mục vụ.

Bởi vậy, để tránh tính cách mơ hồ và hàm hồ của tiếng mục vụ, chúng ta cần xác định ý nghĩa của từ ngữ đó, dựa theo sự giải thích của các vị Giáo hoàng kể từ đức Gioan 23.

Trong diễn văn khai mạc công đồng, đức Gioan 23 đã giải thích chiều hướng mục vụ mà Ngài muốn cho công đồng theo đuổi. Theo Ngài, công đồng sẽ không lặp lại các đạo lý cổ truyền, cũng như sẽ không tuyên bố thêm tín điều mới. Công đồng sẽ chú trọng vào việc trình bày đạo lý cổ truyèn với ngôn ngữ hợp với tâm thức của thời đại. Mặt khác, một từ khác cũng thường được lặp đi lặp lại trên các cửa miệng là “aggiornamento”, (cập-nhật-hóa). Sự cập-nhật-hóa không chỉ giới hạn vào ngôn ngữ trình bày đạo lý, nhưng còn áp dụng cho toàn thể đời sống giáo hội, từ phụng vụ, cho đến kỷ luật, các cơ chế của Giáo hội.

Thế nhưng khi soạn thảo các văn kiện của công đồng, thì các Nghị phụ hiểu tiếng mục vụ mỗi người một cách. Một nhóm thì hiểu nó như là ngôn ngữ diễn tả đạo lý hợp với tâm thức thời đại. đối lại, một nhóm khác thì hiểu mục vụ (pastoralis) là phận sự của Giám mục, người mục tử (tức là chủ chăn, pastor bonus), và nhiệm vụ chính yếu là trình bày chân lý tinh tuyền, chứ không uốn nắn theo thị hiếu của người nghe. Việc rao giảng chân lý, cho dù là rao giảng trên sa mạc đi nữa, chính là một công tác mục vụ rồi. Chính vì có hai quan niệm khác nhau về mục vụ như vậy, nên có những lược đồ bị một bên chê là “thiếu tính cách mục vụ” thì được bên kia bênh là chính xác; và đối lại những lược đồ được khen là mục vụ thì lại bị bên kia bác là mông lung mơ hồ. Hai khuynh hướng có dịp đương đầu với nhau khi bàn cãi về lược đồ của văn kiện “Vui mừng và Hy vọng”.

Lược đồ này ra đời vì một số nghị phụ cho rằng theo ước muốn của đức Gioan 23, công đồng phải lắng nghe những vấn đề của thời đại, và trả lời cho họ theo ngôn ngữ thích hợp với thời đại. Thế nhưng, nhóm kia hỏi lại: nếu trình bày đạo lý theo những đòi hỏi nhất thời, thì đạo lý ấy cũng sẽ có tính chất nhất thời hay không? Sau cùng hai bên đi tới một thỏa hiệp, bằng cách chia văn kiện làm hai phần: phần thứ nhất gồm những nguyên tắc bền vững, còn phần thứ hai thì dành cho những áp dụng vào vấn đề thời đại.- đó là chưa kể những thỏa hiệp khác về phương pháp trình bày (quy nạp hay diễn dịch), cũng như về chính tựa đề “Sứ điệp, tuyên ngôn, hiến chế mục vụ”.

Tóm lại, trong công đồng, các nghị phụ chia làm hai nhóm khi bàn về tính cách mục vụ của Vaticano II : a/ một số thì hiểu theo nghĩa là đáp ứng với thời đại; b/ một số thì hiểu là chức vụ của người mục tử.

Dù sao, ngày nay khi đọc lại các văn kiện của công đồng ta thấy cả sự hiện diện của hai chiều kích đó: một đàng công đồng muốn đưa Giáo hội vào những hoàn cảnh lịch sử của thời đại, không những chỉ trong việc trình bày đạo lý, nhưng còn liên can đến tất cả sinh hoạt của Giáo hội, từ phụng vụ cho tới các hình thức hoạt động tông đồ: Giáo hội mang Tin mừng cho con người của thời đại, vì vậy càn phải biết những dáu chỉ của thời đại. đây là một công tác chung của toàn thể Dân Chúa. Chính trong bối cảnh ấy, công đồng đã trình bày lại hình ảnh của Giám mục và linh mục. Họ phải noi gương Chúa Giêsu, vị mục tử nhân hậu, lo lắng đến đời sống của đoàn chiên; họ phục vụ săn sóc đoàn chiên qua công tác rao giảng, thánh hóa và cai quản.

Hai chiều hướng đó được đức Phaolo 6 quảng diễn khi giải thích các văn kiện của công đồng cũng như khi vạch ra những đường hướng áp dụng công đồng. Một đàng, ngài đã đẩy mạnh việc canh tân Giáo hội sau công đồng, canh tân (cập-nhật-hóa) nhưng vẫn duy trì sự liên tục với truyèn thống. Ngài cũng kêu gọi cảnh giác trước những dáu chỉ của thời đại: cần phải biết nhận định những giá trị của thời đại nhưng cũng phải biết vạch lên những sai lệch của nó. Một cách tương tự như vậy, đức Phaolo VI muốn cho Giáo hội để ý đến những nền văn hóa khác nhau trên thế giới, với những giá trị lẫn những lệch lạc. Sự rao giảng Tin mừng không thể làm ngơ các nền văn hóa, nghĩa là lề lối suy tư, hoạt động, sinh sống của các dân tộc. – đàng khác, nhiều lần Ngài mô tả “công tác mục vụ” như là bổn phận riêng của các Giám mục và linh mục, những mục tử trong Giáo hội, bao gồm việc rao giảng chân lý (kể cả khiển trách những lầm lạc) cũng như việc thánh hóa và cai quản. Tinh thần mục vụ có nghĩa là lòng bác ái, tận tụy phục vụ đoàn chiên mà các mục tử cần phải nuôi dưỡng theo gương đức Kitô, mục tử nhân lành. Cả hai chiều hướng đều giả thiết một nền tảng đạo lý, tức là chính Phúc âm, đối tượng của công cuộc rao giảng. Phúc âm phải được loan báo cách nguyên tuyền, toàn vẹn, không được bóp méo; nhưng đồng thời Phúc âm cần được rao truyền với ngôn ngữ mà người thời đại có thể lĩnh hội được. để được như vậy, người rao truyền Phúc âm cần hiểu biết thời đại, những khắc khoải của thời đại cần được Phúc âm soi sáng.

Từ hai chiều kích đó, ta có thể hiểu thần học mục vụ theo hai nghĩa:

1) Thứ nhất, tất cả thần học đều phải có tính cách mục vụ, nghĩa là cần nhắm tới việc chuyển thông Tin mừng cho thời đại, tìm cách diễn đạt sứ điệp mạc khải qua ngôn ngữ của các nền văn hóa khác nhau. đây là một yêu sách nằm trong sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Dưới khía cạnh này, thần học một đàng phải đào rễ sâu vào truyền thống đức tin, một đàng khác phải biết nhậy cảm với những dấu chỉ của thời đại, tâm thức của con người thời đại chịu ảnh hưởng của những chủ thuyết, lối sống, tôn giáo khác nhau. Nói một cách nôm na, bàn đến tính cách mục vụ của thần học có nghĩa là tìm cách để “đem đạo vào đời, và đem đời về với đạo”.

Dĩ nhiên, khi đi vào cụ thể, ta phải hiểu tiếng “đời” theo từng môi trường cụ thể: không những là những ngôn ngữ, dân tộc khác nhau, mà thậm chí ở trong cùng một lãnh thổ, lại còn phải để ý đến những lớp tuổi khác nhau (lớp trẻ có ngôn ngữ khác với lớp già), những cảnh sống khác nhau (tỉ như những người sống tại bệnh viện, nhà tù thì có tâm thức khá người lành mạnh tự do), những điều kiện giáo dục nghề nghiệp (tỉ như sinh viên, giáo chức, công nhân). Khỏi nói ai cũng biết chủ thể của việc đem Tin mừng vào xã hội thời đại lá toàn thể Dân Chúa, chứ không riêng gì các nhà thần học hoặc các linh mục.

2) Nghĩa thứ hai, thần học mục vụ là một ngành riêng để giúp các mục tử thực thi chức vụ của mình. Thời Trung cổ, nó được gọi là “cura animarum” (săn sóc các linh hồn), tựu trung vào ba bổn phận sau đây: ban hành bí tích, dạy dỗ và hướng dẫn cộng đồng. Từ thế kỷ 19, ba nhiệm vụ ấy được trình bày theo ba chức phận của đức Kitô: ngôn sứ, tư tế và vương giả. Xét vì trước đây, chương trình huấn luyện môn thần học (tín lý và luân lý) nặng tính chất lý thuyết và nguyên tắc, nên cần được bổ túc bởi những khoa có tính cách thực tiễn. Vì thế, không lạ gì mà tại nhiều nơi bên đức, nó được gọi là “thần học thực tiễn” hay ứng dụng: Praktische Theologie, Théologie pratique. Từ đó, tương ứng với ba chức vụ là ba ngành sau đây:

a) chức vụ ngôn sứ: giảng thuyết và huấn giáo;

b) chức vụ thánh hóa: cử hành phụng vụ và bí tích;

c) chức vụ vương giả: sự điều khiển cộng đồng, cách riêng giáo luật.

Thế nhưng, với công đồng Vaticano II, ta biết rằng các tín hữu đều tham dự vào ba chức vụ của đức Kitô, tuy theo một cấp độ khác biệt với các giáo sĩ; vì vậy mà tất cả đều các mời gọi tham dự vào các công tác mục vụ của Giáo hội. Nói cách khác, các công tác mục vụ không còn được quan niệm như là những công việc dành riêng của các giám mục và linh mục, nhưng là những công việc diễn tả lòng ưu ái của đức Kitô mục tử nhân lành, đối với nhân loại. Chủ thể của hoạt động mục vụ là toàn thể Giáo hội. Môi trường của hoạt động là toàn thể nhân loại.

Một cách cụ thể hơn, các bộ môn chính của Thần học Mục vụ gồm ba ngành chính sau đây, tương ứng với sự thực thi ba sứ vụ: loan báo (martyria), phụng tự (leitourgia) và phục vụ (diakonia) hoặc thông hiệp (koinonia).

1) Nhằm huấn luyện việc thực thi sứ vụ loan báo, có các môn: Giảng thuyết (Homiletica); huấn giáo (catechetica); truyền giáo (missiologia).

2) Trong việc huấn luyện việc thực thi sứ mạng thánh hóa, ta có thể kể ngành phụng vụ (liturgia), cũng như tu đức học (spiritualitas).

3) Nhằm tới công tác phục vụ và xây dựng cộng đoàn, ta có thể kể rất nhiều bộ môn.

a/ Dưới khía cạnh phục vụ bác ái, cán bộ mục vụ cần học hỏi về các lớp người khác nhau cần được để ý (tỉ như người nghèo, người bệnh, người tàn tật, nghiện ngập, bị tù, thất nghiệp, tị nạn, vân vân).

b/ Dưới khía cạnh xây dựng cộng đoàn, cần học biết những cơ sở của tổ chức Giáo hội (tỉ như giáo phận, giáo xứ, hội đoàn) cũng như những cơ sở dịch vụ (trường học, nhà xuất bản, cơ quan truyền thông), kế đó phải lưu ý đến các thành phần khác nhau của cộng đoàn, tiên vàn là các gia đình, với những lớp tuổi khác nhau; rồi đến các môi trường nghề nghiệp, kinh tế, chính trị vân vân. Trong lãnh vực này, các khoa học nhân văn giữ vai trò rất quan trọng, tỉ như: sư-phạm, tâm-lý-học mục vụ, xã hội-học mục vụ, y khoa mục vụ, truyền thông xã hội vv.