** Kitô hữu chúng ta cần tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, bởi vì chỉ với ơn thánh của Chúa Giêsu, với sự hiện diện sống động của Ngài trong chúng ta và giữa chúng ta, chúng ta mới có thể thực thi giới răn của Ngài, và như thế trở thành các chứng nhân đáng tin cậy của Ngài. Trong Thánh Lễ chúng ta lắng nghe lời Chúa, được dưỡng nuôi bởi Mình Máu Chúa và trở thành Giáo Hội, Thân Mình mầu nhiệm của Ngài sống trong thế giới ngày nay. Điều này giải thích tại sao việc cử hành Thánh Thể ngày Chúa Nhật lại là trung tâm điểm cuộc sống của Giáo Hội.
Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích lý do tại sao kitô hữu phải đi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật dựa trên chương 20 Phúc Âm thánh Gioan kể rằng: “ Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ…Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em! ” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
Ngài nói:
Việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật là trung tâm cuộc sống Giáo Hội (GLGHCG s. 2177). Chúng ta kitô hữu đi lễ Chúa Nhật để gặp gỡ Chúa phục sinh, hay đúng hơn để cho mình được Ngài gặp gỡ, lắng nghe lời Ngài, dưỡng nuôi mình ở bàn của Ngài, và như thế trở thành Giáo Hội, hay Thân Mình mầu nhiệm của Ngài sống trong thế giới ngày nay.
** Ngay từ giờ đầu tiên các môn đệ của Chúa Giêsu đã hiểu điều này. Họ đã cử hành việc gặp gỡ thánh thể với Chúa trong ngày của tuần, mà người Do thái đã gọi là “ngày thứ nhất trong tuần”, và người Roma gọi là “ngày của mặt trời”, bởi vì trong ngày đó Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết và đã hiện ra với các môn đệ, nói chuyện với họ, ăn với họ và trao ban cho họ Thánh Thần (x. Mt 28,1; Mc 16,9.14; Lc 24,1.13; Ga 20,1.19). Cả việc đổ tràn đầy Thần Khí trong ngày lễ Ngũ Tuần cũng xảy ra ngày Chúa Nhật, ngày thứ năm mươi sau khi Chúa Giêsu phục sinh. Vì các lý do đó ngày Chúa Nhật là một ngày thánh đối với chúng ta, được thánh hiến bởi việc cử hành thánh thể, là sự hiện diện sống động của Chúa giữa chúng ta và cho chúng ta. Như vậy, chính Thánh Lễ khiến cho ngày Chúa Nhật là kitô! Đối với một kitô hữu ngày Chúa Nhật là gì, nếu trong đó thiếu việc gặp gỡ với Chúa?
Rất tiếc có những cộng đoàn kitô không thể hưởng nếm Thánh Lễ Chúa Nhật, nhưng cả các cộng đoàn này nữa, trong ngày thánh này, cũng được mời gọi tụ tập nhau cầu nguyện nhân danh Chúa, bằng cách lắng nghe Lời Chúa và giữ gìn sống động ước muốn Thánh Thể.
Vài xã hội bị tục hoá đã đánh mất đi ý nghĩa của ngày Chúa Nhật được Thánh Thể soi sáng. Trong các bối cảnh này cần phải làm sống lại ý thức này, để phục hồi ý nghĩa của lễ, của niềm vui, của cộng đoàn giáo xứ, của tình liên đới, của sự nghỉ ngơi bổ sức cho linh hồn và thân xác (GLGHCG ss.2177-2188). Trong tất cả các giá trị này Thánh Thể là thầy dậy, từ Chúa Nhật này sang Chúa Nhật khác. Vì thế Công Đồng Chung Vaticăng II đã muốn nhấn mạnh rằng “Chúa Nhật là ngày lễ tiên khởi phải được đề nghị và ghi sâu vào lòng đạo đức của tín hữu, làm sao để nó cũng trở thành ngày của niềm vui và nghỉ làm việc” (SC, 106).
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: trong các thế kỷ đầu đã không có chuyện nghỉ làm việc ngày Chúa Nhật: nó là một đóng góp chuyên biệt của Kitô giáo. Theo truyền thống kinh thánh người Do thái nghỉ ngày thứ bẩy, trong khi trong xã hội Roma đã không thấy trước một ngày nghỉ việc trong tuần. Chính ý thức kitô sống như con cái chứ không như nô lệ, được linh hoạt bởi Thánh Thể, khiến cho ngày Chúa Nhật trở thành ngày nghỉ ngơi, hầu như đại đồng.
Không có Chúa Kitô chúng ta bị kết án, bị thống trị bởi sự mệt mỏi thường ngày, với các âu lo của nó, và bởi sự sợ hãi ngày mai. Việc gặp gỡ chúa nhật với Chúa trao ban cho chúng ta sức mạnh sống ngày hôm nay với sự tin tưởng và lòng can đảm, và tiến tới với niềm hy vọng. Vì thế chúng ta kitô hữu chúng ta đi gặp gỡ Chúa ngày Chúa Nhật trong việc cử hành Thánh Thể.
** Sư hiệp thông thánh thể với Chúa Giêsu, Phục Sinh và Sống vĩnh cửu, báo trước ngày Chúa Nhật không tàn phai, khi sẽ không còn có mệt nhọc, khổ đau, tang chế, nước mắt nữa, mà chỉ có niềm vui sống tràn đầy và luôn mãi với Chúa. Thánh Lễ Chúa Nhật cũng nói với chúng ta về sự nghỉ ngơi diễm phúc này, bằng cách dậy cho chúng ta biết tín thác nơi bàn tay của Thiên Chúa Cha trên trời, trong tuần sống.
Nói thêm trong bài huấn dụ ĐTC nêu lên câu hỏi sau đây: “Chúng ta có thể trả lời thế nào cho người nói rằng không cần đi lễ, kể cả ngày Chúa Nhật, bởi vì điều quan trọng là sống tốt, là yêu thương tha nhân?” Và ngài trả lời:
Đúng thật là phẩm chất cuộc sống kitô được đo lường bằng khả năng yêu thương, như Chúa Giêsu đã nói: “Cứ dấu này mọi người sẽ biết rằng các con là môn đệ của Thầy: đó là nếu các con yêu thương nhau” (Ga 13.35); nhưng làm sao chúng ta có thể thực thi Tin Mừng mà không kín múc năng lực cần thiết giúp làm điều này, từ Chúa Nhật này sang Chúa Nhật khác, nơi suối nguồn không thể cạn của Thánh Thể? Chúng ta không đi Lễ để cho Thiên Chúa cái gì đó, nhưng là để nhận từ Ngài điều chúng ta cần thực sự. Lời cầu của Giáo Hội nhắc nhớ chúng ra điều đó, khi Giáo Hội thưa lên với Chúa: “Chúa không cần lời chúc tụng của chúng con, nhưng bởi một ơn của tình yêu Chúa mời gọi chúng con cảm tạ Chúa; các lời chúc tụng của chúng con không gia tăng sự cao cả của Chúa, nhưng ban cho chúng con ơn thánh cứu độ chúng con” (Kinh tiền tụng chung V).
Kết luận, tại sao đi Lễ ngày Chúa Nhật? Trả lời rằng đó là một luật lệ của Giáo Hội thôi, không đủ; điều này giúp duy trì giá trị của nó, nhưng một mình thì không đủ. Chúng ta kitô hữu chúng ta cần tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, bởi vì chỉ với ơn thánh của Chúa Giêsu, với sự hiện diện sống động của Ngài trong chúng ta và giữa chúng ta, chúng ta mới có thể thực thi giáo huấn của Ngài, và như thế mới là các chứng nhân đáng tin cậy của Ngài.
ĐTC đã chào các đoàn hành hương khác nhau đến từ các nước nói tiếng Pháp và tiếng Anh như Australia, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoà Kỳ, cũng như các nhóm nói tiếng Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ngài khích lệ mọi người trong mùa Vọng này đừng quên chuẩn bị con tim đón chờ Chúa đến, và luôn nhớ rằng Chúa đến gặp gỡ chúng ta mỗi Chúa Nhật trong việc cử hành Thánh Thể cần phải tham dự để lãnh nhận ơn thánh Chúa ban.
** Trong các nhóm nói tiếng Anh ngài đặc biệt chào các tham dự viên Diễn đàn quốc tế của các tổ chức phi chính quyền công giáo triệu tập tại Roma trong những ngày này. Ngài đánh giá cao các nỗ lực của họ đem ánh sáng Tin Mừng tới các vùng ngoại biên khác nhau trên thế giới, để bênh vực nhân phẩm và thăng tiến phát triển toàn diện cho các dân tộc, và đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của biết bao nhiêu chi thể của gia đình nhân loại. ĐTC nói: tôi khích lệ anh chị em luôn luôn làm việc trong một tinh thần của sự hiệp thông và cộng tác với các tổ chức phi chính quyền khác, cũng như với các vị đại diện Toà Thánh như dấu chỉ sự dấn thân của Giáo Hội trong việc xây dựng một thế giới luôn công bằng và liên đới hơn.
Trong các nhóm nói tiếng Đức ĐTC chào đặc biệt phái đoàn vùng Land miền Áo thượng cùng tín hũu giáo phận Linz do ĐC Manfred Scheuer hướng dẫn. ĐTC cám ơn họ đã tặng ngọn lửa lấy từ Bếtlehem về. Ngài nói trong mỗi Thánh Lễ chúng ta khẩn nài ơn hoà bình mà thế giới cần biết bao nhiêu.
Chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ĐTC mời mọi người cầu nguyện cho các cộng đoàn muốn tham dự Thánh Lễ nhưng không được vì thiếu Linh Mục. Xin Chúa Kitô phục sinh hiện diện giữa các cộng đoàn ấy để qua việc lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện, họ luôn duy trì được ước muốn gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể.
Với các nhóm nói tiếng A rập ĐTC đặc biệt chào các tín hữu đến từ Libăng. Ngài nói thánh Giêrôlamo cho rằng Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày phục sinh, ngày của các kitô hữu, ngày của chúng ta, ngày của mặt trời, trong đó mặt trời công chính đã xuất hiện và các tia sáng của nó đem ơn cứu rỗi tới cho chúng ta. Cũng như cây cần có mặt trời và chất dưỡng nuôi để sống, mỗi kitô hữu cũng cần Thánh Thể Chúa Nhật để sống thực sự.
Chào các tín hữu Ba Lan ĐTC khích lệ mọi người nhớ rằng việc chờ đợi Chúa thành toàn trong mỗi Thánh Lễ chúng ta tham dự. Chúa đến với chúng ta để làm cho chúng ta biết Danh Ngài, Gương mặt của Ngài, và sống kinh nghiệm sự hiện diện và lòng thương xót vô biên của Ngài. Trong viễn tượng đó tham dự Thánh Lễ không phải là một áp đặt, mà là một đặc ân được ban cho chúng ta.
Trong số các nhóm nói tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào các nữ tu dòng Thánh Tâm và các nữ tu thừa sai hiệp hội Maria, hiệp hội quốc tế Jacques Maritain. Ngài cầu chúc chuyến hành hương Roma củng cố tinh yêu của họ đối với Chúa và khiến cho cộng đoàn của họ trở thành nơi sống kinh nghiệm sự hiệp thông và truyền giáo.
Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua lễ kính thánh Lucia trinh nữ tử đạo. Ngài nhắn nhủ các bạn trẻ chiêm ngưỡng sự cao cả của tinh yêu Chúa sinh ra và chết vì loài người, người đau yếu can đảm chấp nhận khổ đau cầu nguyện cho kẻ tội lỗi được ơn hoán cải, và các cặp vợ chồng mới cưới dành nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện nhất là trong mùa Vọng này.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.