“Chúa Giê-su làm chứng yêu thương nhân loại bằng nhiều cách. Một trong những cách đó là Người mặc lấy thân phận con người cùng khổ.”

Trong Hội Thánh  Việt Nam hôm nay đang có nhiều thứ lời nói dâng lên Chúa.

Có những lời tuyên xưng, bằng kinh nguyện, bằng nghi thức và bằng những biểu dương hoành tráng. Có những lời tạ ơn, bằng tiếng ca, bằng công thức, và bằng những bài kể ra thành tích. Có những lời khấn xin, bằng những cuộc hành hương, bằng những chuỗi kinh, và bằng những bông hoa, đèn nến.

Sau cùng, có những lời kêu than thảm thiết, hoặc công khai, hoặc âm thầm. Tôi gọi đó là tiếng kêu của đêm tối, tiếng rên khóc của những vết thương, tiếng cầu cứu của những giao tranh mệt mỏi, tiếng gọi của nỗi cô đơn xa vắng.

 

Trong mọi thứ lời nói ấy, tôi thấy lời kêu than đã thành công nhất trong việc đánh động lòng tôi. Thành công ở chỗ những lời đó đã giúp tôi hướng về Chúa và gần lại con người một cách mãnh liệt. Nói thật là, những lời kêu khóc ấy không phải chỉ thuộc về người khác, mà cũng là của chính tôi. Chính tôi cũng hay dâng lên Chúa những khóc than diễn tả cảnh khốn cùng của mình và của người khác.

Khóc than nói đây không phải là chuyện tình cảm. Cho dù là tình cảm, nó vẫn dựa trên nền tảng Phúc Âm. Một chi tiết của Phúc Âm đã là nền tảng sống động nhất đối với tôi, chính là lời kêu thê thảm của Chúa Giêsu trên thánh giá : “Cha ơi ! Sao Cha nỡ bỏ con” (Mt 27,46). Cả hai thánh sử Matthêu và Marcô đều ghi lại rằng : Chúa Giêsu đã kêu lời đó lớn tiếng (x. Mt 27,46; Mc 15,34). Chứng tỏ nỗi đau của Chúa Giêsu là cực kỳ ghê gớm.

Suy gẫm việc kêu than trên đây của Chúa Giêsu, tôi cảm nghiệm được mấy ý nghĩa sau đây :

1/ Liên đới với những người khốn khổ

Chúa Giêsu làm chứng Người yêu thương nhân loại bằng nhiều cách. Một trong những cách đó là Người mặc lấy thân phận con người cùng khổ. Không phải chỉ là sống giữa những người đau khổ. Cũng không phải chỉ là thăm viếng họ, an ủi họ. Mà còn là chia sẻ nỗi khổ của họ. Chia sẻ nói đây có nghĩa là cùng chịu khổ như họ.

 

Tình yêu chia sẻ nỗi khổ ấy là một tình yêu nhưng không. Sự chia sẻ sống động ấy đòi một sự từ bỏ mình một cách tuyệt đối. Với một cái nhìn mới về những người đau khổ. Đó là cái nhìn yêu thương, sẵn sàng phục vụ. Đó là một cái nhìn thấu tận những nhục nhã, những thất vọng, những khốn cùng, những ray rứt chồng chất trong họ.

Chia sẻ này của Chúa Giêsu có giá trị cứu độ. Cứu độ một cách âm thầm kín đáo, nhưng có hiệu quả thiêng liêng cao quý.

Liên đới với những người đau khổ, chia sẻ nỗi đau của những người đau khổ, việc đó đã được Chúa Giêsu thực hiện một cách sống động. Chúa nêu gương cho chúng ta và cho tôi. Nếu, một lúc nào đó, không nén được cơn đau, tôi phải thốt lên : “Cha ơi ! Sao Cha nỡ bỏ con” thì tôi tin, cơn đau ấy của tôi chính là một lời cầu nguyện. Nó giúp tôi đi theo Chúa Giêsu, trong lãnh vực liên đới với những người đau khổ.

 

2/ Tín thác trọn vẹn nơi Chúa

Lời kêu than : “Cha ơi! Sao Cha nỡ bỏ con” tỏ rõ có một khoảng cách nào đó giữa Cha và Con. Khoảng cách đó là về bản tính loài người nơi Chúa Giêsu. Với khoảng cách đó, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy : Thiên Chúa là Đấng Cao Cả vô cùng. Ngài không mạc khải cho chúng ta những câu trả lời trực tiếp. Ngài là Thiên Chúa ẩn dật. Chương trình của Người là nhiệm mầu. Con người nhiều khi phải rất khiêm tốn và rất nhẫn nại, nếu cảm thấy như Người vắng mặt. Thánh Gióp kêu than:

“Con kêu lên Chúa, nhưng Chúa không trả lời, Con trình diện Chúa, nhưng Chúa không để ý. Con hy vọng hạnh phúc, thế mà vô phước lại tới, Con đợi ánh sáng, thế mà bóng tối lại tràn” (G 30,20-26)

Nếu gọi được đây là Tin Mừng, thì Tin Mừng đó là một mầu nhiệm bao phủ bởi thinh lặng. Chúa hiện diện một cách thinh lặng trong bóng tối. Nhưng những lương tâm tỉnh thức vẫn có thể tìm được những dấu vết, đủ để tin vào Chúa.

Tin vào Chúa. Phó thác nơi Chúa. Đó là những gì Thiên Chúa đã đào tạo nơi các thánh tổ phụ Abraham, Giacob, Isaac, Moisen và David. Và đó cũng là những gì Chúa mời gọi nơi chúng ta. Càng gặp đau khổ, thì càng cần làm chứng về niềm tin cậy, phó thác nơi Thiên Chúa chúng ta. Sự tín thác của chúng ta trong những cơn đau khổ chính là một cách làm chứng mang nhiều giá trị thiêng liêng có sức cứu độ. “Cha ơi, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

3/ Thánh lễ cuộc đời

Với những đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn vì mến Chúa Cha và vì thương nhân loại, Chúa Giêsu đã là của lễ cứu chuộc loài người.

Nay, của lễ ấy được diễn tả lại bằng thánh lễ trên bàn thờ, qua những lễ nghi, do các linh mục.

Nay, của lễ ấy cũng được diễn tả lại bằng thánh lễ cuộc đời, qua những đau đớn trong cuộc sống, do bất cứ ai biết chịu đựng cho người khác và với niềm tin.

Nếu tôi không lầm, thì “thánh lễ cuộc đời” đã là một nội dung khá quen thuộc trên nhiều cơ quan truyền thông của Công giáo Việt Nam.

Riêng tôi, tôi ưa đọc và thích viết về hai chiều kích của thánh lễ cuộc đời như đã nói ở trên.

– Một là chiều kích đau khổ liên đới sống động với những người đau khổ.

– Hai là chiều kích đau khổ tín thác nơi Chúa giàu lòng thương xót.

“Cha ơi ! Sao Cha nỡ bỏ con”. Với lời kêu than thảm thiết ấy của Chúa Giêsu, tôi muốn nói lên nỗi đau trong thánh lễ cuộc đời là rất nặng nề, rất ghê gớm. Cuộc đời của bao người trong Hội Thánh Việt Nam và trên Đất nước Việt Nam này. Đó là một thực tế làm tôi thao thức. Thao thức đồng hành. Cho dù, nhiều khi cô đơn, thao thức ấy vẫn kết hợp với lời kêu than của Chúa Giêsu trên thánh giá : “Cha ơi ! Sao Cha nỡ bỏ con”. Nhờ vậy, thao thức trở thành liên đới và tín thác, như một của lễ thiêng liêng. Tuy chôn vùi, nhưng chứa đầy giá trị có sức cứu độ. 

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.