Giờ lễ nhà thờ Tân Định:

  • Chúa nhật: 5g00 – 6g15 – 7g30 – 9g00 – 16g00 – 17g30 – 19g00.
  • Ngày thường: 5g00 – 6g15 – 17g30 – 19g00

Giải tội: Sau lễ sáng & trước lễ chiều ngày thường; Chúa nhật: 17g00 – 19g00

Chầu Thánh Thể: Mỗi ngày tại nhà chầu; 15g ngày Chúa nhật tại nhà thờ.

Rửa tội trẻ em: 10g15 Chúa Nhật mỗi cuối tháng

Văn phòng giáo xứ:

  • T3-T7: 7g30 – 11g30; 14g30 – 18g30
  • Chúa nhật: 6g30 – 10g30; 16g30 – 20g30
  • Thứ hai nghỉ cả ngày

Nhà thờ Tân Định (tên chính thức: Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Tân Định) là một nhà thờ Công giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc giáo xứ Tân Định. Nhà thờ Tân Định cùng với Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là hai nhà thờ được xây dựng từ rất sớm và có quy mô lớn nhất tại thành phố này.

Nhà thờ được khởi công vào năm 1870 và khánh thành vào ngày 16 tháng 12 năm 1876. Tổng thể mang phong cách kiến trúc Gothic, nhưng các chi tiết trang trí lại mang chút Roman và Baroque. Toàn bộ công trình hiện được sơn màu hồng, phía mặt tiền gồm một tháp chính và hai tháp phụ. Trên đỉnh tháp chính cao 52,6 mét có cây thánh giá làm bằng đồng cao 3 mét. Bên trong có năm quả chuông, với tổng trọng lượng là 5,5 tấn. Hai tháp phụ có những tháp đèn, nhiều cửa sổ hoa gió với những hoa văn tạo vẻ vững chãi mà duyên dáng. Nội thất nhà thờ khá bề thế với hai hàng cột Gothic dẫn tới bàn thờ chính làm bằng đá cẩm thạch của Ý, tôn lên vẻ đẹp rất nhiều cho cả công trình kiến trúc. Hàng cột biên bên trái là nơi có các bệ tượng các vị thánh nữ, bên phải là bệ tượng các thánh nam.

Nhà thờ Tân Định đã trải qua nhiều lần tu sửa, mở rộng trong nhiều sự kiện khác nhau, nhưng không hề xóa đi nét kiến trúc ban đầu.

Theo Wikipedia


Có thể chia lịch sử Giáo xứ Tân định ra làm 5 giai đoạn như sau :

I- Giai đoạn Hình thành: Từ 1860 – 1874.
II – Giai đoạn củng cố và xây dựng: Từ 1874 – 1926.
III- Giai đoạn Trưởng thành: Từ 1926 – 1946.
IV- Giai đoạn Phát triển: Từ 1946 – 1974.
V- Giai đoạn Hiện nay: Từ 1974 – đến nay.

I- Giai đoạn hình thành : 1860 – 1874

Giáo xứ TÂn định được hình thành nhờ các Cha Sở sau đây:

1. Cha THÉODORE LOUIS JOSEPH WIBAUX (VỊ) (1860-1864) 2-Mo Cha Wibaux.jpg
2. Cha JULIEN THIRIET (THI) (2/1864 – 4/1864)
3. Cha HENRI LOUIS LE MÉE (LỄ) (3/4/1864 – 23/12/1868)
4. Cha GIUSE LƯU CHÂU DƯ (12/1868 – 2/1874)

II – Giai đoạn củng cố và xây dựng: Từ 1874 – 1926

Các Cha Sở sau đây đã tiếp nối việc củng cố và xây dựng Giáo xứ Tân định:

1. Cha DONATIANUS EVEILLARD (SƠN) (3/1874 – 6/1881)
2. Cha LUCIEN EMILE MOSSARD (MÃO) (6-1881- 4-1882)
3. – Cha LOUIS EUGÈNE LOUVET (NGÔN) (4-1882 – 2-1898)
4. Cha EMILE FRANÇOIS MARIE MOREAU (ĐỨC) (2/1898 – 3/1902)
5. Cha JEAN FRANÇOIS MARIE GÉNIBREL (THƯỢNG) (1-4-1902 đến 25-4-1914)
6. Cha YVES MARIE GUILLOU (DU) (5-1914 – 3-1918)
7. Cha MARIE URBAIN ANSELME DELIGNON (CAO) (3-1918 – 10-1924)
8. LOUIS EMILE POITIER (PHƯỚC) (10-1924 – 4-1926)

III- Giai đoạn Trưởng thành: Từ 1926 – 1946.

Giai đoạn này đuợc bắt đầu bởi 1 Cha sở nguời Việt. Sau này Ngài đã trở thành Giám Mục Tiên khởi Việt Nam:

1. Cha J.B. NGUYỄN BÁ TÒNG (9-1926 – 11-1933)7-
2. Cha GABRIEL NGUYỄN THANH LONG (10-1934 – 8-1941)
3. Cha ANDRÊ NGUYỄN THUẬN TRỊ (9-1941 – 23-4-1946)

IV- Giai đoạn Phát triển: Từ 1946 – 1974.

1. Cha PHAOLÔ NGUYỄN VĂN VÀNG (23-04-1946 – 12-05-1965)
2. Cha NICOLAS HUỲNH VĂN NGHI (1-8-1965 – 27-10-1974)

V- Giai đoạn Hiện nay: Từ 1974 – đến nay.

1. Cha PHANXICÔ XAVIÊ PHAN VĂN THĂM (3-11-1974 – 29-7-1997)
2. CHA GIOAN BAOTIXITA VÕ VĂN ÁNH (Từ 15-6-1998 đến nay)

VIỆC XÂY DỰNG NHÀ THỜ VÀ NHỮNG CƠ SỞ VẬT CHẤT

I- NHÀ THỜ TÂN ĐỊNH

Khoảng năm 1863, Cha Wibaux bắt đầu cho xây dựng một ngôi thánh đường mới. Trước đây, giáo dân vẫn tụ họp dâng lễ trong ngôi Nhà nguyện cũ vách ván, cột gỗ. Ngày 17-4-1864, Nhà Thờ Tân Định (cũ) xây xong. Để đánh dấu ngày trọng đại này, Cha Le Mée đã mời Đức Cha Dominicô LeFèbvre đến khánh thành và dâng lễ. Trong buổi lễ có sự hiện diện của Cha Bề trên Wibaux, Cha Croc, Cha Eveillard và Cha Roustant. Nhà Thờ được dâng kính Thánh Đa Minh quan thầy của Đức Cha LeFèbvre, đương kim Giám Mục của địa phận.

Trong thời kỳ này đô đốc Lagrandière, lúc đó là Nguyên Soái Nam Kỳ, đồng ý nhượng cho Họ Đạo An Hòa (Tân Định) hai mẫu đất để cất Nhà Thờ và nhà xứ. Sau đó Họ Đạo có khẩn thêm 36 lô đất khác để cho giáo dân đến ở. Cho đến nay những gia đình công giáo kỳ cựu vẫn còn ở trong khu đất Nhà Thờ này.

Năm 1874, Cha Eveillard khởi công xây dựng một Nhà Thờ mới. Như chúng ta đã biết, trước đó 10 năm (1864), Cha Le Mée đã cho xây cất một Nhà Thờ, nhưng ngôi Nhà Thờ này đã trở thành chật hẹp đối với số giáo dân mỗi ngày một tăng.

Cha Eveillard phải cực nhọc vất vả trong suốt hai năm 1875, 1876, Ngài phải vừa đi vận động tài chính, vừa chỉ huy xây cất. Chỉ có một người Hoa là ông A Lộc giúp Cha trong công việc hướng dẫn xây cất. Cha Eveillard trang bị cho Nhà Thờ một cây phong cầm Rodolphe (tặng phẩm của hai Cha Sơn và Cha Lộc trị giá 1200 đ+ 60 đ tiền chuyên chở).

Cuối cùng ngôi thánh đường khang trang vững chắc đã thành hình. Ngày 16-12-1876, Đức Cha Colombert đến khánh thành và dâng Thánh lễ lần đầu tiên trong ngôi Nhà Thờ mới. Công trình này được dâng kính cho Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu. Giáo dân rất quý chuộng ngôi Nhà Thờ mới này, họ siêng năng đến đọc kinh và tham gia Thánh lễ. Đây là phần cốt lõi của Ngôi nhà thờ hiện nay.

Năm 1896, do số bổn đạo tăng nhanh, Cha Ngôn quyết định nối dài Nhà Thờ thêm hai căn và hai hàng ba có xây tường chung quanh. Công trình này rất tốn kém, nhưng với lòng nhiệt thành và đức tin vững mạnh, Cha Ngôn đã tìm được tiền để xây cất. Ngày 02-2-1898, công trình hoàn thành, Đức Cha Dépierre đến khánh thành trọng thể phần nhà mới.

Năm 1929, Cha GB Nguyễn Bá Tòng đã nới rộng Thánh Đường, xây dựng tháp chuông cao 52,62 m cạnh đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng).

Trên tháp chuông này có 6 cổ chuông quý:

– 2 cổ chuông do Cha J.B. Nguyễn Bá Tòng tặng
– 1 cổ do ông Phaolô Luận và bà Hường tặng
– Cổ thứ tư do ông Tài và ông Long tặng
– Cổ thứ năm do bà Tư Hiệp tặng
– Cổ thứ sáu do ông Chức và bà Ý tặng.

Ngày 06-01-1929, Nhà Thờ Tân Định nhận được ba bàn thờ cẩm thạch trị giá 50.000 quan do gia đình ông Francois Haasz và bà Anna Tống Thị Mực dâng. Đây là bàn thờ quý nhất địa phận làm toàn bằng cẩm thạch Ý.