Với rất nhiều cuộc thảo luận gần đây liên quan đến các Tin mừng, tôi tự hỏi liệu ai là người đã viết ra chúng, và làm sao chúng ta biết được điều này?

Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải làm rõ về cách thức mà các Tin mừng hình thành và việc thiết lập quyền tác giả của chúng. Khi trích lại Hiến chế Tín lý về Mặc khải Thánh (Dei Verbum) của Công đồng Vatican II, Giáo lý Hội thánh đã trình bày rất cô đọng về sự hình thành của các Tin mừng (x. GLHTCG, 125-127). Tiền đề nền tảng như sau:

Mẹ thánh Giáo Hội luôn luôn quả quyết lịch sử tính của bốn Phúc Âm, cũng như đã mạnh mẽ và liên lỉ xác nhận bốn sách Phúc Âm trung thành ghi lại những gì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, khi sống giữa loài người, thực sự đã làm và đã dạy vì phần rỗi đời đời của họ, cho tới ngày Người lên trời” (DV 19)

Sau biến cố Chúa Giêsu thăng thiên, các Tông đồ đã ra đi rao giảng Tin mừng, truyền lại cho người khác những điều Chúa đã làm và đã dạy. Được Chúa hướng dẫn và rồi được Thánh Thần soi sáng, các ngài đã rao giảng với một sự hiểu biết đầy đủ hơn. Cuối cùng, các “tác giả thánh” đã viết ra bốn sách Tin mừng. Mỗi một vị, được Thánh thần soi dẫn, đã lựa chọn những sự kiện và các giáo huấn của Chúa, là những điều mà có lẽ họ đã được chứng kiến hoặc được tiếp nhận qua hình thức truyền khẩu hay văn bản.

Đôi khi các tác giả có thể đã tổng hợp lại một số các sự kiện và giáo huấn, hoặc nhấn mạnh phần nào đó, hoặc giải thích các phần để hướng đến một đối tượng nhất định. Điều này lý giải cho việc các Tin mừng thường kể lại cùng một câu chuyện, nhưng mỗi Tin mừng lại có những chi tiết nào đó không có trong các Tin mừng còn lại. Theo một cách tương tự như thế, nếu mỗi thành viên trong một gia đình viết lại lịch sử gia đình mình, về cơ bản họ sẽ kể về cùng một câu chuyện, nhưng mỗi người sẽ vẫn nhấn mạnh những chi tiết nhất định mà họ cho là quan trọng và lưu tâm đến đối tượng sẽ đọc câu chuyện. Tuy nhiên, các tác giả thánh đã soạn tác “theo cách thức như thế để truyền đạt cho chúng ta sự thật chân xác về Đức Giêsu” (DV 19). Do đó, ý kiến cho rằng Giáo hội ở thế kỷ thứ 3 đã “viết ra” các Tin mừng một cách vô căn cứ và gần như “tạo ra” nhân vật Giêsu, là không có cơ sở.

Vậy có phải thánh Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan đã viết ra các Tin mừng? Các vị thánh này chính là các tác giả thánh? Hãy nhớ rằng chỉ có thánh Mátthêu và Gioan nằm trong số Mười hai Tông đồ. Chúng ta cần lưu ý rằng, trong thế giới cổ đại, quyền tác giả được xác định theo một số cách thức: Đầu tiên, tác giả đương nhiên là người đã thực sự cầm bút viết nên bản văn. Tiếp theo, người đọc lại bản văn cho thư ký hoặc ký lục ghi chép vẫn được xem là tác giả. Thứ ba, ai đó vẫn được xem là tác giả dù người ấy chỉ đưa ra các ý tưởng, hoặc nếu bản văn được viết ra căn cứ theo tư tưởng và tinh thần của người đó, cho dù một “tác giả ẩn danh” mới là người thực sự tổng hợp thành tác phẩm. Theo nghĩa rộng, một cá nhân vẫn được xem là tác giả nếu tác phẩm được viết dựa theo truyền thống của cá nhân đó; chẳng hạn, Đavít đươc ghi nhận là tác giả của các Thánh vịnh dù rõ ràng không phải tất cả Thánh vịnh đều do ngài viết ra.

Thật khó để biết liệu phiên bản cuối cùng của các Tin mừng mà chúng ta đang có là do các vị thánh [được định danh làm tác giả] viết ra đúng theo từng từ hay không. Dù sao, truyền thống đã liên kết bốn vị thánh này với các Tin mừng. Thánh Máccô, được xác định là Máccô trong Công vụ Tông đồng 12,12 và 1Phêrô 5,13, ngài được đề cập ở một đoạn trích trong một bức thư của Papias (k.130), Giám mục thành Hierapolis: “Khi Máccô trở thành thông dịch viên của Phêrô, ngài đã ghi chép lại cách chính xác, dù không theo thứ tự, tất cả những gì ngài nhớ được về những lời nói và hành động của Chúa”. Thánh Irênê (+203) và thánh Clêmentê thành Alexandria (+215) ủng hộ cách xác định này. Thời gian biên soạn của Tin mừng Máccô thường được xác định vào khoảng năm 65-70 dựa vào sự liên hệ với việc Đền thờ Giêrusalem bị phá hủy.

Thánh Mátthêu được đồng nhất với người thu thuế, được kêu gọi làm Tông đồ (Mt 9,9-13). Papias một lần nữa chứng thực thẩm quyền tác giả của thánh nhân và cho biết thêm rằng ngài là người đầu tiên soạn ra bộ sưu tập các lời nói của Đức Giêsu bằng tiếng Aram. Vì lẽ này, Tin mừng Mátthêu, ít nhất là trong chính hình thức cơ bản bằng tiếng Aram, được xem là Tin mừng trước hết và được đặt lên đầu trong cuốn Tân ước, dù cho Tin mừng Máccô có lẽ được hoàn thành đầu tiên. Thánh Irênê và giáo phụ Origen (+253) cũng ủng hộ thẩm quyền tác giả này. Tuy vậy, một số học giả nghi ngờ về thẩm quyền trực tiếp của thánh Mátthêu, vì chúng ta không có bản văn tiếng Aram mà chỉ có phiên bản tiếng Hy Lạp, và các tài liệu của Giáo hội cũng không có bất kỳ trích dẫn nào từ phiên bản Aram. Phiên bản của Tin mừng Mátthêu chúng ta có hiện nay có lẽ được viết vào khoảng những năm 70-80.

Thánh Luca, người thầy thuốc và là môn đệ yêu dấu của thánh Phaolô (Cl 4,14), luôn được thừa nhận là tác giả của Tin mừng thứ ba theo truyền thống Kitô giáo, khởi đầu với thánh Irênê, Tertulianô (+220) và Clêmentê thành Alexandria. Tin mừng này [trước nay vẫn được thừa nhận] được viết vào khoảng năm 70-80.

Thánh Irênê xác định tác giả của Tin mừng thứ tư là thánh Gioan Tông đồ. Ngài dựa vào chỉ dẫn của thầy mình là thánh Polycarpô (+155), môn đệ của thánh Gioan. Xuyên suốt Tin mừng này, có nhiều chi tiết cho thấy tác giả là một nhân chứng mắt thấy tai nghe. Cách chung, nhiều học giả cũng đồng tình rằng “người môn đệ được yêu mến” mà Tin mừng đề cập chính là thánh Gioan. Tin mừng này có lẽ được viết vào khoảng năm 80-90.

Dù vị thánh đã viết ra từng chữ, hay một học trò đã thực hiện sự chỉnh sửa sau đó, hay kể cả vị học trò mới là người thực sự viết ra những gì vị thánh truyền dạy, chúng ta phải luôn nhớ rằng các bản văn – toàn thể và trọn vẹn – được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần. Đúng vậy, tác giả nhân loại đã sử dụng những kỹ năng và ngôn ngữ của mình để hướng đến đối tượng tiếp nhận; tuy nhiên, họ viết ra những điều mà Thiên Chúa muốn họ viết. Hiến chế Tín lý về Mặc khải Thánh đã minh định:

“Vì phải xem mọi lời các tác giả được linh ứng viết ra, tức các thánh sử, là những lời của Chúa Thánh Thần, nên phải công nhận rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại vì phần rỗi chúng ta”  (DV 11).

Vì vậy, bất luận là ai thực sự đóng góp cho việc hoàn thành cuốn Kinh thánh, họ đều được linh hứng.

Điều thú vị là với sự nghiên cứu rộng rãi gần đây về các Cuộn sách biển Chết, bằng chứng mới chỉ rõ hơn về quyền tác giả của các tác giả truyền thống. Reginald Fuller, linh mục Anh giáo và là Giáo sư danh sự tại Chủng viện thần học Virginia, cùng với tiến sĩ Carsten Thiede, đã phân tích ba mảnh giấy cói ghi lại chương 26 của Tin mừng Mátthêu; các mảnh giấy có niên đại vào năm 40, điều này chỉ ra rằng tác giả là một nhân chứng mắt thấy tai nghe về sứ vụ công khai của Chúa. Cha Jose O’Callaghan S.J., khi nghiên cứu các mảnh giấy của Tin mừng Máccô và sử dụng các phương pháp phân tích cổ ngữ, đã xác định niên đại của chúng vào năm 50, điều này một lần nữa xác nhận về một tác giả là nhân chứng. Cuối cùng, John Robinson, giám mục Anh giáo, bằng nghiên cứu của mình cũng đã khẳng định rằng cả bốn Tin mừng đều được viết vào khoảng giữa những năm 40 và 65, và có khả năng Tin mừng Gioan được viết sớm nhất. Nghiên cứu mới này không chỉ chất vấn  một số hiểu biết đương đại [và việc xác định niên đại] mà còn xác nhận cho quyền tác giả theo truyền thống.

Có lẽ vẫn còn những bí ẩn xoay quanh các bản văn và danh tính của các tác giả. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng chúng là những bản văn thánh, được linh hứng và thật sự là Lời Thiên Chúa.

Vấn đề sau cùng: Theo Mật mã Da Vinci, một cuốn sách mang tính báng bổ và quảng bá cho các tin mừng Ngộ đạo, tại sao trong quy điển Tân ước chỉ có Tin mừng Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan, mà không kể đến các tin mừng khác? Việc đưa bốn Tin mừng trên vào qui điển có những lý do dễ hiểu như sau: Thứ nhất, Tin mừng Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan được đặt nền tảng trên truyền thống tông đồ và có thể được quy cho thẩm quyền tác giả của các tông đồ như đã nêu ở trên. Thứ hai, các Tin mừng này chứa đựng các giáo huấn mang tính chính thống, đặt biệt là về căn tính và con người của Đức Giêsu. Thứ ba, chúng được sử dụng trong Thánh lễ và các cử hành phụng vụ khác. Thứ tư, chúng được toàn thể Giáo hội chứ không riêng một giáo phái nào đó chấp nhận. Các tin mừng của phái Ngộ đạo không thỏa mãn bất kỳ tiêu chuẩn nào vừa nói, và do đó, chúng không được Giáo hội chấp thuận và bị loại bỏ.