CÁC THƯ PHAOLÔ

1. Các thư thánh Phaolô trong Kinh bộ

Cổ truyền đã lưu lại cho chúng ta 14 thư thánh Phaolô. Trong toàn thể có thể coi là chính xác. Dưới đây là thứ tự các thư trong Kinh bộ từ thế kỷ IV :

1) Thư gửi tín hữu Rôma (Rm)

2) Thư 1 gửi tín hữu Corinthô (1 Cor)

3) Thư 2 gửi tín hữu Corinthô (2 Cor)

4) Thư gửi tín hữu Galata (Gal)

5) Thư gửi tín hữu Êphêsô (Eph)

6) Thư gửi tín hữu Philipphê (Phi)

7) Thư gửi tín hữu Colossê (Col)

8) Thư 1 gửi tín hữu Thessalônica (1 Th)

9) Thư 2 gửi tín hữu Thessalônica (2 Th)

10) Thư 1 gửi Timôthê (1 Tim)

11) Thư 2 gửi Timôthê (2 Tim)

12) Thư gửi Titô (Tit)

13) Thư gửi Philêmon (Phm)

14) Thư gửi tín hữu Do thái (Dt)

Trong cách xếp đặt trên đây, ta thấy các thư không được xếp theo thứ tự thời gian, nhưng tùy theo tầm quan trọng các thư và thế giá các giáo đoàn. Hơn nữa, ta cũng nhận thấy các thư gửi các giáo đoàn được xếp trước các thư gửi cho cá nhân. Sau cùng là thư gửi tín hữu Do-thái vì đã có lần người ta hồ nghi và bàn cãi về tính cách chính xác của thư đó.

2. Các thư thánh Phaolô theo thứ tự thời gian

Sau đây là biểu đồ các thư thánh Phaolô xếp theo thứ tự thời gian và đặt vào khung cảnh đời sống của thánh Phaolô:

Vào khoảng năm 5-7 sau Công nguyên: Phaolô sinh trưởng ở thành Tarsê

22/23-26 Phaolô ở Giêrusalem theo học trường Luật sĩ Gamaliel

30 Chúa Giêsu chịu chết

33 Thánh Stêphanô tử đạo

34 Phaolô trở lại

34-37 Phaolô ở Damas, ở Arabia và trở về Damas

37 Hành trình về Giêrusalem lần I

37-42 Phaolô ở Cilicia và ở Tarsê

43 Phaolô ở Antiôkia

44 Hành trình đi Giêrusalem lần II

45-48 Hành trình truyền giáo thứ nhất

48 Thời gian ở Antiôkia

49 Công đồng Giêrusalem

50-53 Hành trình truyền giáo thứ hai.

Phaolô ngụ tại Corinthô Thư 1 và 2 gửi tín hữu

18 tháng (51-52). Thessalônica (51-52)

54-58 Hành trình truyền giáo thứ ba. Thư gửi tín hữu Galata (54) Phaolô ở Êphêsô 2 năm Thư 1 gửi tín hữu (54- 56), Corinthô (56)

Phaolô ngụ tại Macêđônia Thư 2 gửi tín hữu

(57), Corinthô (57)

tại Corinthô (57-58). Thư gửi tín hữu Rôma (58)

58-60 Phaolô bị bắt ở Giêrusalem,

bị giam tại Cêsarêa dưới thời Tổng trấn Felix và Festus; Phaolô chống án lên hoàng đế Rôma.

60-61 Đi Rôma

61-63 Bị giam tại Rôma lần I. Thư gửi tín hữu Côlôssê (62) Thư gửi Philêmon (62) Thư gửi tín hữu Êphêsô (63)

Thư gửi tín hữu Philipphê (63)

63-66 Những năm cuối cùng Thư gửi Timôthê (64-65) Thư gửi Titô (64-65) Thư gửi tín hữu Do thái (64)

66-67 Bị bắt.

Bị giam ở Rôma lần II. Thư 2 gửi Timôthê (66)

Tử đạo.

Theo thứ tự thời gian đó, người ta thường chia các thư Phaolô làm ba loại :

a) Những thư quan trọng :

Thư gửi tín hữu Galata, thư 1 và 2 gửi tín hữu Côrinthô, thư gửi tín hữu Rôma và hai thư gửi tín hữu Thessalônica. Trong các thư đó, Phaolô nói về sự công chính hóa, việc tái lâm trong vinh quang của Chúa và tất cả những vấn đề mà những người tân tòng và những cộng đồng sơ khai gặp phải.

b) Những thư viết khi bị giam :

Thư gửi tín hữu Colossê, Philêmon, gửi tín hữu Ephêsô và Philipphê. Vấn đề chính trong những thư này là vai trò của Chúa Kitô trong vũ trụ và lịch sử. Người ta coi những thư này là những thư bàn về Chúa Kitô. Trong những thư đó, Phaolô cũng cố gắng xác định những yếu tố của một đời sống Kitô hữu hoàn hảo.

c) Những thư mục vụ :

Thư 1 và 2 gửi Timôthê và thư gửi Titô. Trong những thư này, ta thấy nỗi lo lắng của Phaolô về việc tổ chức các cộng đồng Kitô hữu trước những nguy hiểm của những lạc thuyết và trước khi Phaolô ly trần. Ta cũng có thể xếp thư gửi tín hữu Do thái vào loại này tuy đề tài trong thư rất khác với ba thư nói trên.

3. Hình thức ngoại tại các thư thánh Phaolô

Về hình thức, thư của Phaolô cũng giống như những thư viết trên chỉ thảo mà mới đây người ta khám phá được ở Ai cập. Dưới đây là dàn bài của thư 1 gửi tín hữu Corintô và thư gửi tín hữu Galata.

a) Phần mở đầu

– Lời chào : người viết, người nhận, cầu chúc.
1 Cor 1,1-3; Gal 1,1-5.

– Nhập đề : thường bắt đầu bằng một công thức tạ ơn Chúa, tiếp đến nhắc lại những kỷ niệm, hay một lời khen …
1 Cor 1,4-9; Gal không có.

b) Phần chính

Phần này quan trọng nhất. Trong phần này, Phaolô nói về những vấn đề thuộc phạm vi tín lý, luân lý hay những vấn đề khác có liên quan đến cộng đồng nhận thư.

1 Cor 1,10 – 15,58; Gal 1,6 – 6,10.

c) Phần kết

– Đưa tin tức : 1 Cor 16,1-18; Gal 6,11-17

– Lời thăm hỏi (lời chào) : 1 Cor 16,19-22; Gal không có.

– Lời cầu chúc cuối cùng : 1 Cor 16,23-24; Gal 6,18.

ĐẠI CƯƠNG VỀ CÁC THƯ CHUNG

Danh từ thư chung được dùng để chỉ 7 thư sau đây : thư của thánh Giacôbê, 2 thư của thánh Phêrô, 3 thư của thánh Gioan và một thư của thánh Giuđa. Các thư đó được gọi là thư chung vì trừ hai thư vắn của Gioan, các thư khác đều gửi cho một số khá đông giáo đoàn.

Tuy các thư chung rất khác nhau, nhưng cũng có một số điểm giống nhau :

1. Khuyên đề phòng những tiến sĩ giả :

2 Phr 2,1-3.10-22; 3,3-4.16-17; 1 Gio 2,18-23; 4,1-6; 2 Gio 7 – 11; Giu 4.

2. Nhấn mạnh về việc phải giữ đức tin tinh tuyền và đời sống trong sạch:

Gia 2,14-26; 3,13; 4,3-9; 5,7-11; 1 Phr 2,11-12.13-17; 4,1-4; 2 Phr 3,1-7.14-18; 1 Gio 2,18-28; 4,6; 2 Gio 7 – 11.

3. Khuyên phải vững tâm trong thử thách và bách hại:

Gia 1,2 – 4,12; 4,7.10-11; 1 Phr 1,6-7; 2,11-17; 3,13-17; 4,12-19; 5,6-10; 1 Gio 2,24-28.

4. Nhắc đến thế mạt:

Gia 5,3.7-9; 1 Phr 1,5; 4,7; 2 Phr 3,3-4; 1 Gio 2,18-19; Giu 18.

SÁCH KHẢI HUYỀN

1. Tác giả, xuất xứ và niên hiệu biên tập

Sách Khải huyền đã do thánh Gioan Tông đồ biên tập tại đảo Patmos vào cuối thế kỷ I trong những năm cuối triều Hoàng đế Đômitianô (94/96), khi Giáo hội phải những bạo chúa như Nêrô và Đômitianô bách hại.

2. Nội dung và bố cục

Khải huyền là cuốn sách tiên tri (Cf. 1,3.19 …). Khải huyền dùng những lời tiên tri và những hình ảnh để mô tả cuộc giao tranh và chiến thắng của Nước Chúa.

Tuy các tác giả chia sách Khải huyền khác nhau, nhưng dựa vào 1,19 : “Hãy viết … những việc hiện tại và những việc sẽ xảy ra” (4,1; 22,5), ta có thể chia sách Khải huyền làm hai phần chính với phần mở đầu và phần kết :

– Phần mở đầu 1,1-20

– Phần thứ nhất : Thị kiến về những việc hiện tại 2,1 – 3,22

– Phần thứ hai : Thị kiến về những việc sẽ xảy ra 4,1 – 22,5

a) Lời tiên tri trong sách có 7 ấn niêm phong

4,1 – 11,18

b) Lời tiên tri của cuốn sách mở 11,19 – 22,5

– Phần kết 22,6-21

3. Đặc tính sách Khải huyền

a. Đại cương về sách Khải huyền

Sách Khải huyền là một điệp văn có tính cách tiên tri của Chúa Giêsu gửi cho 7 Giáo đoàn Tiểu Á qua Gioan Tông đồ. Nhưng những lời tiên tri này không giống những lời tiên tri Cựu Ước. Sách Khải huyền có một kiểu văn đặc biệt, lối văn đã được Daniel thực thi và rất thịnh hành vào khoảng thế kỷ I sau Công nguyên.

Lối văn Khải huyền do tiếng Hy-lạp apokalypsis có nghĩa là vén bức màn lên, tỏ ra cho biết. Trong sách Khải huyền, ta nhận thấy mục đích, kỹ thuật và phương pháp của lối văn này.

Thực ra, Gioan có ý vén bức màn che những bí nhiệm về tương lai, với Gioan đó là những bí nhiệm ngày thế mạt. Theo đúng qui tắc lối văn Khải huyền, Gioan tuyên bố thời kỳ thế mạt đã gần tới (1,3; 3,11; 22,7.10.12.20) và ước mong thế mạt chóng đến (22,20).

b. Những hình ảnh trong sách Khải huyền có ý nghĩa tượng trưng

Những điều mạc khải này, Gioan đã xem thấy trong khi ngất trí ở trên Thiên quốc, nơi Thiên môn và trên địa cầu.

Nhiều hình ảnh trong sách Khải huyền là những hình ảnh quen thuộc, mượn ở Cựu Ước, ở các sách Khải huyền Do-thái và những chuyện thần thoại Tiểu Á : nhiệm vụ các sứ thần, cuốn sách niêm phong, kèn đồng, sấm sét, cuộc đại chiến thời thế mạt, Gog và Magog, bữa tiệc thế mạt …

Những hình ảnh trong sách Khải huyền có ý nghĩa tượng trưng hơn diễn tả; những hình ảnh đó biểu lộ một tư tưởng mà không chú trọng về điều hòa và hình dung. Lưỡi gươm phát xuất từ miệng Chúa Giêsu (1,16) chỉ quyền lực vô biên của vị thẩm phán; con chiên có 7 sừng và 7 mắt (5,6) chỉ sự mạnh mẽ vô song và thông biết mọi sự; chiều dài, chiều rộng và chiều cao của thành Giêrusalem mới đều bằng nhau (21,16) vì hình lập phương là một thực thể hoàn toàn …

Nhũng con số và màu sắc cũng có ý nghĩa tượng trưng : số 7 chỉ sự hoàn thiện, số 4 chỉ thế giới trần gian, số 12 chỉ Israel, 1.000 chỉ đám đông hay một thời gian dài; 144.000 chỉ sự sung mãn; ba ngày rưỡi (11,11) chỉ một thời gian rất ngắn; 42 tháng (11,2) và 1.260 ngày (11,3; 12,6) chỉ một thời gian khá dài, có lẽ số 666 chỉ sự khuyết điểm hoàn toàn hay sự độc ác căn bản (số 6 là số bất toàn, nhắc lại 3 lần) …; màu trắng chỉ sự trinh bạch và chiến thắng, màu đỏ chỉ sự máu đổ …; ngành thiên tuế chỉ sự chiến thắng; triều thiên chỉ sự khải hoàn … Ta phải lưu ý điểm này khi giải thích (tìm hiểu) sách Khải huyền.

c. Những nét độc đáo sách Khải huyền của thánh Gioan

Tuy có chịu ảnh hưởng một phần nào những người đi trước, tác giả sách Khải huyền vẫn giữ được vẻ độc đáo mạnh mẽ trong cách lĩnh hội và biến đổi những yếu tố rút trong các sách đã biên tập trước.

Sách Khải huyền có rất nhiều cảnh tràn đầy sự sống, màu sắc và linh động đến nỗi dù đọc trăm lần cũng vẫn không làm suy giảm vẻ rực rỡ đó (1,12-20; 4,2-11; 5,1-14; 6,12-17; 7,9-17; 9,1-11; 14,9-13; 18,1-20; 19,11-16; …).

Hơn nữa, đi đôi với một trí tưởng tượng dồi dào, Gioan có một ý thức về thứ tự và về cách trình bày; vì thế, chỉ nguyên xét theo quan điểm văn chương, điều đó đã làm cho sách Khải huyền trổi vượt trên tất cả các sách đồng loại.

Trong sách Khải huyền, ta gặp số 7 nhiều lần (7 ấn tích, 7 kèn đồng, 7 kim bôi); chính số 7 đó đã tạo nên một bố cục chắc chắn cho toàn cuốn sách và như vậy làm cho độc giả khỏi bị lạc lõng giữa vô số hình ảnh kỳ lạ. Những chuẩn bị đi đến kết luận diễn tiến mỗi lúc một thêm rõ ràng và mạnh mẽ.

Khải huyền là một tác phẩm được xây dựng thật vững chãi, điều đó tương phản với sự nghèo nàn của ngữ vựng và lối hành văn, hai điều này cho ta biết rằng tác giả là một thiên tài, nhưng ít quen thuộc với văn chương Hy-lạp.

d. Ý nghĩa sách Khải huyền

Cũng như tất cả các sách Khải huyền khác, sách Khải huyền của Gioan đã được biên tập trong thời tai ương. Với Nêrô và nhất là Đômitianô, đế quốc Rôma đã trở thành kẻ bách hại Kitô giáo. Việc thiết lập tôn giáo thờ hoàng đế như một quốc giáo đưa đến sự bách hại các Kitô hữu, vì họ không chịu gán cho ai ngoài Chúa Giêsu chức Chúa tể.

Khải huyền nói lên sự bách hại (2,3.9), cơn đại họa đã bắt đầu (7,14), máu đã chảy (2,13; 7,14); những ngày tiếp theo có lẽ còn nguy hiểm hơn nữa (2,10; 3,10). Nỗi lo âu và sự thiếu kiên nhẫn xâm nhập các tâm hồn (6,10-11).

Chính vì muốn khích lệ các tín hữu mà Gioan đã biên tập điệp văn tiên tri mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho ông, điệp văn này là lời kêu gọi lòng tin tưởng và trung thành : thời gian chịu đau khổ vắn vỏi, Chúa Giêsu sắp đến và đem theo phần thưởng (22,12); phải quảng đại nhận cái chết khi Chúa đòi hỏi (13,9-10); những người an nghỉ trong Chúa sẽ được hợp với ca đoàn Thiên quốc để tham dự vào phụng vụ muôn đời; những người chiến thắng sẽ được vào Thiên đàng; dù sự ác có độc dữ và mạnh mẽ đến đâu đi nữa “thì Con Chiên cũng sẽ thắng” vì là Chúa các Chúa và là Vua các vua, và cả những kẻ được ở với Người, những kẻ đã được mời gọi, kén chọn và trung thành (17,14) cũng sẽ thắng.

Tuy sách Khải huyền có nhiều chỗ khó hiểu, nhưng ý nghĩa chính là ở đó. Và ý nghĩa này có giá trị đối với tất cả mọi thế hệ Kitô hữu. Sách Khải huyền trịnh trọng khẳng định chủ quyền tối cao của Thiên Chúa và Chúa Kitô, khuyên nhủ các tín hữu phải kiên nhẫn trong thử thách, trong bách hại và cho các tín hữu thấy một vài vẻ huy hoàng của nơi mát mẻ, đầy ánh sáng và bình an.

Lm Trịnh Hưng Kỷ