Lời Ban Biên Tập:
Kinh Thánh là cuốn sách được đọc nhiều nhất trên thế giới nhưng vẫn còn tương đối mới mẻ với đa số người Việt.  Theo yêu cầu của một số bạn đọc, Thư Viện Tin Lành sẽ lần lượt giới thiệu một số kiến thức căn bản về Kinh Thánh trong thời gian tới.  Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp bạn đọc làm quen với Kinh Thánh và nhận được những sứ điệp phước hạnh từ Kinh Thánh mà hàng tỷ người trên thế giới đã kinh nghiệm trong hơn 20 thế kỷ qua.

Vài Nét Về Kinh Thánh

Kinh Thánh là tập hợp của một số sách về niềm tin của Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo.  Kinh Thánh được khoảng 40 tác giả, sống tại 3 lục địa khác nhau, viết trong khoảng thời gian gần 1600 năm.  Kinh Thánh được viết bằng ba ngôn ngữ, chủ yếu là tiếng Hebrew (Do Thái) và Greek (Hy Lạp). Một vài phân đoạn trong Kinh Thánh được viết bằng tiếng Aramaic, một cổ ngữ được dùng phổ biến tại Do Thái trong thời Đức Chúa Giê-xu.

Các tác giả Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn khi họ viết Kinh Thánh.  Vì thế, Kinh Thánh được xem là Lời của Đức Chúa Trời; các tác giả Kinh Thánh chỉ đóng vai trò ký thuật chép lại những gì Đức Chúa Trời đã hướng dẫn họ.  Kinh Thánh là nền tảng đức tin của Cơ Đốc giáo.  Người tin Chúa áp dụng những nguyên tắc dạy dỗ trong Kinh Thánh vào cuộc sống hằng ngày.

I. Tên Gọi

Danh từ Kinh Thánh, hay Thánh Kinh, trong tiếng Việt được dịch từ chữ Holy Bible trong tiếng Anh.  Chữ bible trong tiếng Anh xuất phát từ chữ biblia trong tiếng La Tinh, hay βιβλία trong tiếng Hy Lạp.  Đây là một danh từ mô tả số nhiều, trung tính, có nghĩa là “những cuốn sách.”

Trong tiếng La Tinh, chữ biblia xuất phát từ chữ biblos (βιβλίον – Hy Lạp).  Chữ biblos là từ ngữ chỉ phần bên trong của cây papyrus, là nguyên liệu được người Ai Cập chế biến để làm giấy; do đó chữ biblos có nghĩa là “giấy.” Vì giấy được sản xuất vào thời đó được cuộn tròn cho nên từ ngữ này còn có nghĩa là “quyển.”  Về sau danh từ biblos được dùng phổ biến với nghĩa là “sách.”

Đến thế kỷ thứ IV, chữ sacra được thêm vào nên từ ngữ biblia sacra có nghĩa là “những sách thánh.”

Do tính nhất quán của tất cả các sách trong Thánh Kinh được nhấn mạnh nên chữ biblia sau đó đã được chuyển từ danh từ số nhiều sang danh từ số ít; vì thế ý nghĩa của chữ biblia sacra trở thành “sách thánh,”  và chữ “những” không còn nữa.

Trong danh từ Hán Việt, các sách tôn giáo dạy đạo lý được gọi là kinh; cho nên chữ biblia sacra khi được dịch sang tiếng Việt đã được các dịch giả gọi là Kinh Thánh.

II. Cấu Trúc

Kinh Thánh được chia thành hai phần chính là Cựu Ước và Tân Ước.  Cựu Ước là Kinh Thánh của Do Thái giáo.  Tân Ước ghi lại cuộc đời của Đức Chúa Giê-xu, những lời dạy dỗ của Ngài, lịch sử của Hội Thánh và những huấn thị của các nhà lãnh đạo Hội Thánh trong giai đoạn đầu.

Kinh Thánh của Cơ Đốc giáo bao gồm cả Cựu Ước và Tân Ước; tuy nhiên, Kinh Thánh của Giáo hội Chánh Thống giáo, Giáo hội Công giáo và Giáo hội Tin Lành không hoàn toàn giống nhau.   Tân Ước của Giáo hội Chánh Thống giáo, Giáo hội Công giáo và Giáo hội Tin Lành giống nhau.  Về Cựu Ước, Giáo hội Tin Lành chỉ công nhận các sách có trong Kinh Thánh của Do Thái giáo; trong khi đó,  Giáo hội Chánh Thống giáo và Giáo hội Công giáo thêm vào một số sách khác.

Cựu Ước của Giáo hội Tin Lành gồm 39 sách được sắp xếp theo bốn chủ đề:

  1. Ngũ Kinh:
    Sáng Thế Ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, Dân Số Ký, Phục Truyền Luật Lệ Ký.
  2. Các Sách Lịch Sử:
    Giô-suê, Các Quan Xét, Ru-tơ, I Sa-mu-ên, II Sa-mu-ên, I Các Vua, II Các Vua, I Sử Ký, II Sử Ký, Ê-xơ-ra, Nê-hê-mi, Ê-xơ-tê.
  3. Thi Ca:
    Gióp, Thi Thiên, Châm Ngôn, Truyền Đạo, Nhã Ca.
  4. Các Sách Tiên Tri:
    Các sách tiên tri  được chia ra làm hai nhóm: Đại Tiên Tri và Tiểu Tiên Tri.
    a. Đại Tiên Tri: Ê-sai, Giê-rê-mi, Ca Thương, Ê-xê-chi-ên, Đa-ni-ên.
    b. Tiểu Tiên Tri: Ô-sê, Giô-ên, A-mốt, Áp-đia, Giô-na, Mi-chê, Na-hum, Ha-ba-cúc, Sô-phô-ni, A-ghê, Xa-cha-ri, Ma-la-chi.

Tân Ước bao gồm 27 sách, được chia làm 4 đề tài:

  1. Các Phúc Âm
    Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, Giăng.
  2. Lịch Sử Hội Thánh
    Công Vụ Các Sứ Đồ
  3. Các Thư Tín
    Rô-ma, I Cô-rinh-tô, II Cô-rinh-tô, Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se, I Tê-sa-lô-ni-ca,  II Tê-sa-lô-ni-ca,  I Ti-mô-thê, II Ti-mô-thê, Tít, Phi-lê-môn, Hê-bơ-rơ, Gia-cơ, I Phi-e-rơ, II Phi-e-rơ, I Giăng, II Giăng, III Giăng, Giu-đe.
  4. Sách Tiên Tri
    Khải Huyền

Kinh Thánh là một bộ sách khá dày. Để thuận tiện cho việc tham khảo, vào thế kỷ thứ 13, Stephen Langton, một giảng viên tại Viện Đại Học Paris đã chia mỗi sách trong Kinh Thánh thành nhiều chương.  Sau khi rời công việc giảng dạy tại đại học, Stephen Langton đã trở thành Tổng Giám Mục tại Canterbury.  Stephen Langton về với Chúa vào năm 1228.

Sau khi Phong Trào Cải Chánh diễn ra, Robert Stephanus, một nhà in Kinh Thánh tại Geneve, Thụy Sĩ đã phân chia mỗi chương trong Kinh Thánh thành nhiều câu.  Phương pháp này đã được áp dụng lần đầu tiên trong bản in Kinh Thánh Tân Ước tiếng Hy Lạp tại Geneve vào năm 1551. Kể từ đó, việc trao đổi ý kiến trong việc nghiên cứu Kinh Thánh được dễ dàng hơn.

Với cách phân chia thành chương và câu như trên, cấu trúc Kinh Thánh của Giáo hội Tin Lành có thể tóm tắt như sau:

 

Cựu Ước

Tân Ước

Tổng Cộng

Sách

39

27

66

Chương

929

260

1189

Câu

33214

7959

41175

III. Sơ Lược Nội Dung

Kinh Thánh là mặc khải của Đức Chúa Trời dành cho nhân thế.  Kinh Thánh giúp con người hiểu Đức Chúa Trời là ai, con người từ đâu mà có, chương trình của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại là gì, Đức Chúa Giê-xu là ai, làm thế nào để con người có thể sống trong mối quan hệ tốt đẹp với Đức Chúa Trời qua trung gian của Đức Chúa Giê-xu.

Kinh Thánh Cựu Ước bắt đầu với ký thuật về việc sáng tạo vũ trụ, mô tả sự sa ngã của loài người khỏi mối tương giao với Đức Chúa Trời. Đây chính là nguyên nhân khiến con người phải sống trong sự đau khổ trong hiện tại và bị hư mất trong cõi đời đời.

Để chuẩn bị chương trình cứu chuộc nhân loại, Kinh Thánh thuật lại việc Đức Chúa Trời chọn dân Do Thái làm tuyển dân.  Đức Chúa Trời hứa với dân Do Thái rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến từ dân tộc Do Thái và Ngài sẽ khôi phục lại mối tương giao giữa Đức Chúa Trời và loài người.

Sau đó, Kinh Thánh Cựu Ước thuật lại việc Đức Chúa Trời chọn Áp-ra-ham.  Từ dòng dõi Áp-ra-ham, Chúa xây dựng quốc gia Do Thái bằng cách huấn luyện họ tại Ai Cập.  Đức Chúa Trời giải cứu người Do Thái khỏi cuộc sống nô lệ, ban cho họ luật pháp, đất đai và giúp họ lập quốc.

Cựu Ước tiếp tục với việc ghi lại lịch sử quốc gia Do Thái: thời kỳ thành lập, thời kỳ hưng thịnh, thời kỳ suy vong, những sứ điệp Đức Chúa Trời dạy dỗ dân tộc Do Thái, những lời hứa về sự cứu chuộc, và những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế.

Thánh Kinh Tân Ước tường thuật lời tiên tri về Đấng Cứu Thế trong Cựu Ước đã được ứng nghiệm trong cuộc đời của Đức Chúa Giê-xu.  Các sách Phúc Âm ghi lại sự giáng sinh của Đức Chúa Giê-xu, cuộc đời và chức vụ của Ngài, sự hy sinh của Chúa cho nhân loại, và sự sống lại của Đức Chúa Giê-xu.

Sau đó Thánh Kinh Tân Ước ghi lại sự thành lập và phát triển của cộng đồng Cơ Đốc trong thế kỷ thứ nhất, những hoạt động của hội thánh trong việc thực hiện mạng lệnh của Đấng Cứu Thế loan báo tin mừng cứu rỗi cho mọi dân tộc trên đất.

Trong các thư tín, các nhà lãnh đạo hội thánh đã giải thích và trình bày những yếu tố căn bản trong niềm tin Cơ Đốc,  ý nghĩa của việc tin Chúa, nếp sống của người tin Chúa, những thách thức trong cuộc đời theo Chúa, niềm hy vọng về sự tái lâm, và viễn ảnh về cuộc sống phước hạnh trong vương quốc của Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh đã được phổ biến hơn hai ngàn năm.  Rất nhiều công trình nghiên cứu, phân tích, phê bình Kinh Thánh đã được thực hiện.  Nhiều học giả đã dành trọn đời nghiên cứu Kinh Thánh, giảng dạy trong các trường đại học, biên soạn Thánh Kinh từ điển, từ điển thần học; tuy nhiên không ai dám xưng nhận đã hiểu toàn bộ Kinh Thánh.

Mục đích Đức Chúa Trời phổ biến Kinh Thánh không phải để nghiên cứu nhưng để áp dụng.  Kinh Thánh giúp cho mỗi người biết chương trình của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, vị trí của mỗi người trong chương trình đó, và làm thế nào để mỗi cá nhân sống đúng với mục đích mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng mình.  Kinh Thánh khuyến khích người đọc áp dụng những nguyên tắc được dạy dỗ trong Kinh Thánh vào cuộc sống để kinh nghiệm những ơn phước mà Đức Chúa Trời đã hứa.

Về một phương diện, việc áp dụng Kinh Thánh vào cuộc sống có thể so sánh như việc sử dụng máy điện toán hay một sản phẩm điện tử tinh vi.  Bạn có thể không hiểu rõ những dụng cụ này cấu tạo ra sao  và hoạt động như thế nào, nhưng nếu bạn áp dụng những chức năng căn bản, bạn sẽ kinh nghiệm những  ích lợi cho bạn.    Hy vọng bài viết ngắn này sẽ giúp bạn hiểu một vài chi tiết về Kinh Thánh; từ đó bạn có thể khởi đầu đọc Kinh Thánh, học Kinh Thánh, áp dụng những sự dạy dỗ của Kinh Thánh cho chính mình, và kinh nghiệm những phước hạnh đến từ Chúa.

Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành
Tháng 9/2012